Sáng 29/7 (theo giờ Việt Nam), cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đã tuyên bố chấp nhận đề cử của đảng Dân chủ, trở thành ứng cử viên chính thức của đảng này trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào mùa thu tới.
Gần 25.000 người có mặt tại trung tâm Wells Fargo đã trực tiếp chứng kiến một dấu mốc mới trong lịch sử nước Mỹ khi bà Clinton tuyên bố chấp nhận đề cử của đại hội đảng Dân chủ trong một bài phát biểu với những định hướng chính sách nhằm tạo nên sự khác biệt với ứng cử viên của đảng Cộng hòa cũng như khôi phục lòng tin của cử tri Mỹ.
Trung tâm Wells Fargo, nơi diễn ra đại hội đảng Dân chủ. |
Uy tín của cựu Ngoại trưởng Mỹ đã bị sứt mẻ đáng kể sau vụ lãnh sự quán Mỹ tại Libya bị tấn công khủng bố vào năm 2012 và vụ sử dụng email cá nhân để trao đổi một số thông tin nhạy cảm của chính phủ Mỹ.
Trong bài diễn văn với những ý tưởng được tham khảo từ bạn bè và cố vấn thân cận nhất của mình trong nhiều tuần qua, bà Clinton đề cập đến những nguy cơ mà Mỹ đang đối mặt trong và ngoài nước, cam kết tạo thêm nhiều việc làm với mức lương cao cho người lao động Mỹ và hợp thức hóa cho hàng triệu người nhập cư.
Về vấn đề an ninh, một chủ đề đang rất nóng tại Mỹ sau những vụ tấn công khủng bố đẫm máu liên tiếp trong thời gian qua, bà Clinton nhấn mạnh rằng nước Mỹ cần một sự lãnh đạo nhất quán và ổn định, một phát biểu nhằm vào đối thủ Donald Trump, người được cho là khó lường, tiền hậu bất nhất và thiếu kinh nghiệm chính trị.
“An ninh của nước Mỹ đang đứng trước những thách thức đầy khó khăn. Chúng ta có thể thấy những mối đe dọa và bất ổn mọi nơi. Từ Baghdad cho tới Kabu, từ Nice cho đến Paris, từ San Bernadino cho đến Orlando, chúng ta đang đối phó với những kẻ thù đầy quyết tâm nhưng phải bị đánh bại. Phải thừa nhận rằng ai cũng đều lo lắng và tìm kiếm sự yên ổn, tìm kiếm một sự lãnh đạo ổn định”.
Trong lĩnh vực đối ngoại, bà Clinton cam kết tiếp tục gây sức ép, buộc Iran thực hiện thỏa thuận hạt nhân đã ký, hối thúc các nước chống biến đổi khí hậu, sát cánh cùng các đồng minh NATO đối phó với các mối đe dọa và đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố, đặc biệt là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton phát biểu trong đại hội đảng Dân chủ. |
“Chúng ta sẽ tấn công chúng từ trên không, hỗ trợ các lực lượng địa phương đẩy lùi chúng trên bộ, tăng cường khả năng tình báo để phát hiện và ngăn ngừa các cuộc tấn công, cắt đứt nỗ lực của chúng trong việc tiếp cận và cực đoan hóa những người trẻ tuổi tại Mỹ. Điều này khó có thể thực hiện nhanh chóng hay dễ dàng nhưng không phạm sai lầm, chúng ta sẽ thành công”, ứng viên Tổng thống Mỹ Clinton nói.
Đối ngược với bài phát biểu tại đại hội đảng Cộng hòa vào cuối tuần trước của ông Donald Trump, người đã vẽ nên thực trạng một thế giới và nước Mỹ với những gam tối mà chỉ có ông mới có khả năng giải quyết, bà Clinton nhấn mạnh tới sức mạnh tập thể, nêu rõ rằng người Mỹ cần đoàn kết nếu muốn vượt qua mọi thách thức.
Bà Clinton kêu gọi: “Các thế hệ người Mỹ đã đoàn kết với nhau để xây dựng một nước Mỹ tự do hơn, công bằng hơn và hùng mạnh hơn. Không ai trong chúng ta có thể một mình làm được điều này?”.
Bài phát biểu của bà Clinton đã kết thúc 4 ngày đại hội đầy sóng gió của đảng Dân chủ do vụ bê bối liên quan đến cuộc bầu cử sơ bộ, theo đó giới lãnh đạo của Ủy ban quốc gia của đảng Dân chủ bị cáo buộc thiên vị bà Clinton nhằm loại bỏ ứng cử viên Bernie Sanders.
Vụ việc đã châm ngòi cho hàng loạt cuộc biểu tình tại Philadelphia, buộc Chủ tịch đảng Dân chủ Debbie Wasserman Schultz phải tuyên bố từ chức nhằm duy trì sự đoàn kết và ổn định nội bộ, vũ khí vô cùng quan trọng của đảng Dân chủ trước đối thủ Donald Trump, ứng cử viên đang gây chia rẽ sâu sắc trong đảng Cộng hòa.
Tuy nhiên, làn sóng phản đối bà Clinton của các cử tri ủng hộ Thượng nghị sỹ Sanders cũng dần lắng xuống sau những bài phát biểu đầy sức lan tỏa của vợ chồng Tổng thống Barack Obama, Phó Tổng thống Joe Biden, cựu Tổng thống Bill Clinton và đặc biệt là của chính ông Bernie Sanders, người đã kêu gọi những người ủng hộ mình bỏ phiếu cho bà Clinton. Đội ngũ nâng đỡ “hùng hậu” sẽ giúp bà Clinton đánh bại ông Trump?
Nếu đắc cử vào tháng 11 tới, bà Clinton sẽ trở thành nữ nguyên thủ thứ ba trong số các cường quốc trên thế giới, cùng với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh Theresa May.
Tuy nhiên, theo kết quả của 7 cuộc thăm dò ý kiến được thực hiện trong vòng 10 ngày qua thì ưu thế đang nghiêng về ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump với khoảng cách trung bình 0,9 điểm phần trăm. Lịch sử cũng không đứng về phía bà Clinton khi một chính đảng Mỹ thường thất bại sau khi giành chiến thắng tại hai cuộc bầu cử Tổng thống liên tiếp.