Cơ quan Năng lượng Quốc tế có trụ sở tại Paris, chịu trách nhiệm giám sát mức năng lượng và làm việc với các quốc gia trên thế giới để khuyến nghị các chính sách năng lượng bền vững và chi phí thấp.
Người đứng đầu IEA - ông Fatih Birol cho rằng nhà cung cấp khí đốt sở hữu nhà nước của Nga - Gazprom đã giảm xuất khẩu sang châu Âu khoảng 25% trong quý 4 so với năm ngoái "bất chấp giá khí đốt tăng cao".
"Tôi cũng muốn lưu ý rằng dòng chảy khí đốt ở mức thấp từ Nga sang châu Âu trùng với thời điểm căng thẳng địa chính trị leo thang liên quan đến vấn đề Ukraine. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh sự trùng hợp này".
Nga đã yêu cầu Ukraine không được tham gia vào NATO và tăng cường hàng chục nghìn binh lính ở khu vực gần biên giới hai nước trong những tháng gần đây. Một số người tin rằng việc Nga cắt giảm khí đốt có thể là nỗ lực gây sức ép buộc các quốc gia khác đáp ứng yêu cầu của mình.
Ông Birol nhận định, nếu Nga vận chuyển khí đốt sang châu Âu nhiều hơn khoảng 1/3, lượng khí đốt này có thể đáp ứng 10% lượng tiêu thụ hàng ngày của của châu lục này. Đó chính là những gì mà các quan chức năng lượng cho là cần thiết để châu Âu vượt qua mùa đông lạnh giá.
"Về vấn đề khí đốt châu Âu, chúng tôi tin rằng có những yếu tố quan trọng giữa việc thắt chặt thị trường khí đốt châu Âu và hành vi của Nga", ông Birol đánh giá.
"Trái với các nhà cung cấp khác, chẳng hạn như Na Uy, Algeria và Azerbaijan, vốn đều tăng nguồn cung sang châu Âu, Gazprom giảm xuất khẩu khí đốt sang châu Âu 25%" trong quý 4 so với năm ngoái.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh rằng, Gazprom đã đáp ứng các nghĩa vụ của mình theo các hợp đồng dài hạn và cho rằng, giá khí đốt hiện tại ở châu Âu đang dịch chuyển theo giá thị trường biến động trong ngắn hạn. Ông cũng cho biết các khách hàng ở Đức đang bán lại khí đốt Nga cho Ba Lan và Ukraine thay vì đáp ứng các nhu cầu thị trường của họ.
Nga muốn Đức và EU thông qua đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2, dẫn trực tiếp khí tự nhiên từ Nga sang châu Âu, song dự án này đang vấp phải sự phản đối từ Ukraine, Ba Lan và Mỹ.
Ông Birol bình luận, Gazprom có lẽ đứng đằng sau việc dự trữ khí đốt tại châu Âu giảm khi công ty này chiếm khoảng một nửa sự thâm hụt khí đốt lưu trữ mặc dù chỉ sở hữu 10% lượng dự trữ của châu Âu./.