Đồng thời, hành động này càng khiến cho tiến trình thuyết phục Iran từ bỏ chương trình hạt nhân thêm khoảng cách.

Trong một bài phát biểu hôm 8/12 nhân kỷ niệm 60 năm ngày Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền ra đời, Tổng thống Pháp Sarkozy nói: "Dân tộc Iran là một trong những dân tộc vĩ đại nhất trên thế giới, một trong những nền văn minh lâu đời nhất thế giới, giàu văn hóa và cởi mở. Nhưng họ lại không may khi sống dưới thời của một số lãnh đạo ngày nay của họ.

Tôi biết rằng chúng ta phải giải quyết những gì có lẽ là cuộc khủng hoảng quốc tế nghiêm trọng nhất mà chúng ta phải đối mặt: Đó là Iran đang cố hết sức chế tạo bom hạt nhân. Chúng ta không thể giải quyết cuộc khủng hoảng này mà không đối thoại với các lãnh đạo Iran, nhưng, tôi không thể ngồi cùng bàn với một người dám nói: Israel phải bị xóa khỏi bản đồ".

Iran không công nhận sự tồn tại của nhà nước Do Thái Israel.  Trong khi đó, Iran hiện đang phải chịu sự cấm vận của Quốc tế vì từ chối yêu cầu của Liên Hợp Quốc về việc ngừng làm giàu uranium. Các nước phương Tây và Mỹ cáo buộc nước Cộng hòa Hồi giáo đang bí mật chế tạo bom hạt nhân nhưng Tehran khẳng định chương trình của họ chỉ đơn thuần phục vụ các mục đích hòa bình. 

Thứ trưởng Ngoại giao Iran phụ trách các vấn đề châu Âu Mehdi Safari chỉ trích mạnh mẽ lời nhận xét mang tính can thiệp của ông Sarkozy và cho rằng những lời nhận xét như vậy sẽ đem lại những hậu quả trái ngược đối với quan hệ tương lai giữa Iran và Pháp.

Thực tế là từ lâu mối quan hệ giữa Pháp và Iran đã trong tình trạng “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt”. Một trong những nguyên nhân là do những chính sách cứng rắn của Pháp đối với Iran. Đặc biệt, sau khi ông Sacozy đắc cử Tổng thống Pháp. Điện Elysé và Bộ Ngoại giao Pháp hay đúng hơn là Vụ các vấn đề chiến lược an ninh và giải trừ quân bị, cơ quan quản lý hồ sơ hạt nhân Iran, thậm chí đã có lập trường cứng rắn tới mức các nhà lãnh đạo Pháp “không bao giờ muốn gặp một nhà lãnh đạo Iran nào”.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng đã từng nhiều lần tuyên bố “không thể chấp nhận” một Iran trang bị vũ khí hạt nhân và nhấn mạnh “quyết tâm của Pháp trong tiến trình hiện nay để gia tăng trừng phạt Iran, đồng thời cũng để mở lối nếu Iran chọn cách tôn trọng các nghĩa vụ của họ.

Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh điều ngược lại. Tức là, thông qua đối thoại, châu Âu, trong đó có Pháp đã đạt được thoả thuận với Iran đình chỉ chương trình làm giàu Urani của nước hoàn thành trong tháng 11 và 12 năm 2003. Tiếp đến là việc Iran ký nghị định thư bổ sung và đặc biệt là cho pháp các cuộc thanh sát của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA. Tehran đã tôn trọng cam kết này đến đầu năm 2005 trước khi từ bỏ nó. Bởi nước này cho rằng sẽ khó có thể trông chờ vào những cam kết của châu Âu khi mà “lục địa già” quá phụ thuộc vào lập trường không khoan nhượng từ phía Washington.

Chính vì vậy, các nhà phân tích nhận định rằng, việc Pháp sử dụng các chính sách cứng rắn với Iran sẽ chẳng mang lại kết quả tốt đẹp nào. Trong khi vấn đề hạt nhân của Iran chỉ có thể giải quyết thông qua đối thoại. Nhất là trong bối cảnh Iran tiếp tục phớt lờ các biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế để tiếp tục thực hiện chương trình hạt nhân gây tranh cãi.

Thậm chí, Tổng thống Iran Mahmud Amadinejat còn thẳng thừng tuyên bố sẽ đáp trả mọi hành động quân sự chống lại Iran. Điều mà theo các nhà quan sát sẽ khó có thể diễn ra trong thời điểm cuộc khủng hoảng kinh tế đã ảnh hưởng mạnh đến ngân sách mỗi quốc gia, ngay cả những nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ, Nhật Bản hay Pháp.

Thêm nữa, Pháp trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU đã không ngừng tìm kiếm sự ảnh hưởng của nước Pháp cũng như châu Âu trong vấn đề này. Thậm chí thông qua các chính sách đối với Syria, Lebanon hay các nước Arab, những nước có mối quan hệ chặt chẽ với Tehran, Pháp muốn trở thành nước tiên phong trong giải quyết vấn đề hạt nhân Iran. Song với hành động mang đầy ngụ ý khiêu khích như vừa qua, chẳng những Pháp đang phá vỡ những ảnh hưởng tạo dựng được mà còn khiến cho tiến trình giải giáp hạt nhân ở Iran ngày càng trở nên xa vời./.