Ngày 6/12, Quốc hội Lybia được quốc tế công nhận đã ký một bản tuyên bố về nguyên tắc với Đại hội Nhân dân Toàn quốc (GNC - cơ quan lập pháp cũ của Lybia) nhằm mục đích chấm dứt xung đột tại quốc gia Bắc Phi này.

Tuyên bố trên quy định việc thành lập một ủy ban gồm 10 thành viên, chỉ định Tổng thống và Phó Tổng thống lâm thời.

Phát biểu tại cuộc họp báo tổ chức tại nước láng giềng Tuynidi, ông Ibrahim Fetih Amish, đại diện cho Quốc hội Lybia được quốc tế công nhận tại Tobruk ở miền Đông Libi cho biết: “Chúng tôi đã có một bản thỏa thuận. Tuy nhiên kết quả của bản thỏa thuận này phụ thuộc vào sự phê chuẩn của Quốc hội  và Đại hội Nhân dân Toàn quốc. Sau đó, chúng tôi sẽ bắt đầu  thực hiện sự những điều khoản trong bản thỏa thuận với sự hỗ trợ và chào đón cùng với sự đồng thuận của tất cả các bên.”

danh_bom_uern.jpg
Các vụ đánh bom xảy ra liên tiếp tại Lybia (Ảnh minh họa: AP)

Còn ông Mohammed Abdul-Sadiq, Phó chủ tịch Quốc hội Đại hội Nhân dân Toàn quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ thỏa thuận này, giúp đảm bảo an ninh khu vực.

“Trên thực tế, nếu chúng ta tìm thấy một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Lybia, các vấn đề như nhập cư bất hợp pháp và khủng bố cũng sẽ được giải quyết,” ông Mohammed Abdul-Sadiq lưu ý.

Trước đó, ngày 1/12, tại thủ đô của Algeria, Hội nghị bộ trưởng các nước láng giềng Lybia lần thứ 7 đã thông qua nỗ lực của Đặc phái viên mới của Liên hợp quốc về Lybia, ông Martin Kobler, nhằm giúp các phe phái đối địch ở Lybya chấm dứt xung đột và cùng tham gia thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc.

Lybia  rơi vào hỗn loạn kể từ sau khi chính quyền của Tổng thống Gaddafi bị lật đổ hồi năm 2011. Hiện tại ở Lybia có hai chính phủ và hai quốc hội tồn tại song song. Chính phủ và quốc hội được quốc tế công nhận (HOR) do dân bầu hồi tháng 6/2014 theo kế hoạch chuyển tiếp ở Lybia.

Tuy nhiên, Liên minh Hồi giáo vũ trang “Bình minh Lybia” đã chiếm thủ đô Tripoli hồi tháng 8/2014 và cùng với Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC), tức cơ quan lập pháp cũ, lập nên một chính phủ tại đây, còn chính phủ được quốc tế công nhận phải dời đến thành phố cảng Tobruk ở miền Đông Lybia.

Hiện nay, hai lực lượng chính tham gia đối thoại chính trị ở Lybia là chính phủ được quốc tế công nhận và Đại hội Nhân dân toàn quốc vẫn đấu tranh gay gắt để nắm quyền lực và quân đội nhằm giành quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên năng lượng giàu có của đất nước Bắc Phi này.

Từ tháng 9/2014, Liên hợp quốc đã làm trung gian cho một loạt vòng đối thoại giữa các phe phái đối địch, song những cuộc đụng độ vẫn tiếp diễn bất chấp một thỏa thuận ngừng bắn đã được các bên nhất trí. /.