Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Warsaw kêu gọi một châu Âu đoàn kết, thống nhất và hợp tác trong lương lai.

eu_evuj.jpg
(Ảnh: Thisdaylive)

Dưới tiêu đề “Vì sự thống nhất của châu Âu – Liên minh của chúng ta, Tương lai của chúng ta”, Tuyên bố Warsaw nhấn mạnh chính phủ tất cả các nước thành viên phải tham gia vào quá trình ra quyết định của liên minh dựa trên cùng nguyên tắc, trên tinh thần hợp tác và đoàn kết. Tuyên bố nêu rõ sự phát triển của thị trường chung đòi hỏi cần phải có tầm nhìn xa, tham vọng và cạnh tranh công bằng dựa trên các quy tắc rõ ràng, cân bằng, hài hòa và minh bạch, có sự tham gia của chính giới.

Phản đối chủ nghĩa bảo hộ trong và ngoài khối, các nhà lãnh đạo cho rằng tất cả các quốc gia thành viên cần phải xóa bỏ rào cản ngăn cản hội nhập sâu rộng, đồng thời phải tạo điều kiện tối ưu cho hợp tác kinh tế. Các nhà lãnh đạo cũng tuyên bố việc hội nhập châu Âu của các nước khu vực Tây Balkan cần phải được coi là một quá trình củng cố châu Âu và phải là mục tiêu chính trị chiến lược của EU.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau hội nghị, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki chỉ ra sự khác biệt về trình độ phát triển cũng như thách thức giữa các nước khối Tây Âu và Đông Âu cũ, đồng thời phản đối quan điểm cần phải có một châu Âu đa tốc độ, cho phép nhóm các nước giàu có hợp tác sâu rộng hơn ở một số lĩnh vực, bỏ xa các nước kém phát triển hơn.

Thủ tướng Morawiecki cho biết kể từ khi gia nhập EU hơn một thập kỷ, các nước thành viên mới đều được hưởng lợi nhiều từ quy chế thành viên, nhưng họ cũng đóng góp cho EU không ít. Nhắc lại vấn đề tiêu chuẩn kép vẫn tồn tại trong EU, trong đó nhiều sản phẩm chất lượng thấp cùng loại vẫn được phân phối tại các nước Trung-Đông Âu, ông Morawiecki nhấn mạnh tất cả các nước thành viên cần phải được đối xử một cách công bằng, không thể tồn tại quan niệm công dân hạng hai trong EU.

Trong khi đó, Thủ tướng Viorica Dancila của Romania, nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu, đánh giá cao việc thông qua tuyên bố chung Warsaw, coi đây là một công cụ quan trọng trong việc xây dựng Liên minh châu Âu trong tương lai. Bà khẳng định cam kết của Ru-ma-ni ủng hộ định hướng đoàn kết, thống nhất, hội nhập của EU, và sẽ tiếp tục thúc đẩy hiện thực hóa cách tiếp cận này trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên của mình.

Cùng với Ba Lan, Đảo Síp, Cộng hòa Séc, Estonia, Hungaria, Latvia, Litva, Malta, Slovakia và Slovenia chính thức trở thành thành viên của Liên minh châu Âu vào ngày 1/5/2004, và đây là đợt kết nạp nhiều nước thành viên nhất của khối tính cho tới thời điểm này. Ba nước còn lại trong khu vực là Bulgaria và Romania gia nhập năm 2007, và Croatia được kết nạp năm 2013./.