Đây là sự kiện lớn trong khu vực về môi trường nhằm tăng cường hợp tác bảo vệ môi trường chung ASEAN bền vững và sạch đẹp. Với mục tiêu chung tay bảo vệ môi trường, các nước ASEAN và nước đối tác tham gia hội nghị đã tập trung thảo luận và nhất trí hợp tác về một loạt vấn đề, bao gồm: Biến đổi khí hậu, phát triển đa dạng sinh học, rác thải biển, giáo dục môi trường, quản lý tài nguyên nước, xử lý ô nhiễm khói mù xuyên biên giới…
Các đại biểu ASEAN nhất trí tăng cường hợp tác bảo vệ môi trường. |
Sớm thành lập cơ chế hợp tác về môi trường
ASEAN là khu vực có hệ sinh thái phong phú và nguồn tài nguyên đa dạng, hợp tác môi trường đã được các nước ASEAN quan tâm và thúc đẩy rất sớm. Từ năm 1977, ASEAN đã bắt tay vào việc soạn thảo Chương trình môi trường tiểu khu vực ASEAN (ASEP I), đánh dấu mở đầu quá trình hợp tác bảo vệ môi trường trong khu vực.
Năm 1981, ASEAN lần đầu tiên thông qua Chương trình Môi trường và ra bản Tuyên bố đầu tiên, trong đó nêu ra các mục tiêu và định hướng hợp tác của khu vực. Sau này nhiều văn kiện khác đã được thiết lập như Kế hoạch hành động chiến lược về Môi trường (1994-2010), Chương trình Hành động Viên Chăn (2004-2010), Kế hoạch Hành động Hà Nội (1999-2004), Tuyên bố ASEAN về Môi trường bền vững (2007); Tuyên bố Cấp cao Đông Á về Biến đổi khí hậu, Năng lượng và Môi trường. Trong thời gian gần đây, hợp tác ASEAN trong lĩnh vực môi trường phát triển mạnh và ngày càng mở rộng.
Chung tay giải quyết các thách thức về môi trường
Những năm gần đây, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, an ninh lương thực và nguồn nước, khói mù xuyên biên giới… đã trở thành những vấn đề lớn tác động đến sự phát triển bền vững của khu vực và mỗi quốc gia.
Nhấn mạnh về ý nghĩa của cuộc họp về vấn đề môi trường, Phó Thủ tướng, kiêm bộ trưởng bộ Kinh tế và tài chính Campuchia - ông Aun Porn MoniRoth khẳng định: “Vấn đề môi trường giữ một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế khu vực. Do đó cuộc họp lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng và là sự kiện lịch sử của ASEAN và đối tác trong việc đề ra các mục tiêu chiến lược vì một môi trường ổn định của khu vực và toàn thế giới”.
Phó Thủ tướng, kiêm bộ trưởng bộ Kinh tế và tài chính Campuchia - ông Aun Porn MoniRoth. |
Với mục tiêu vì một môi trường chung ASEAN sạch bền vững, các nước trong khu vực ASEAN đã cùng nhau xây dựng các cơ chế phục vụ cho sự phát triển lâu dài, bảo vệ môi trường của khu vực, tài nguyên thiên nhiên và chất lượng cuộc sống cao của mỗi người dân.
Trong quá trình hợp tác về môi trường, các nước ASEAN không chỉ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, thông tin kịp thời và phối với thực hiện nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, mà còn tăng cường hợp tác với các nước đối tác khác, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Theo ông Neth Pheaktra, Quốc vụ khanh, kiêm người phát ngôn Bộ Môi trường Campuchia, cho biết: Các hoạt động hợp tác ASEAN và ASEAN+3 này đã đóng vai trò hết sức quan trọng, góp phần tăng cường năng lực về quản lý môi trường và xây dựng các chính sách phát triển bền vững tại mỗi quốc gia thành viên.
Ông Neth Pheaktra, khẳng định: “Việc hợp tác giữa các nước ASEAN và các đối tác đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Việc tăng cường hợp tác giữa các nước ASEAN và các nước đối tác (Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc) nhằm đảm bảo chất lượng môi trường ổn định. Các nước này cũng đang chung tay tìm giải pháp bảo vệ môi trường và cắt giảm tác động của biến đổi khí hậu”.
Vì một môi trường chung ổn định
Để xây dựng một ASEAN xanh và sạch, bên cạnh việc thiết lập các cơ chế hợp tác, ASEAN đã và đang thúc đẩy giáo dục, tạo điều kiện cho người dân tham gia rộng rãi vào các hoạt động bảo vệ môi trường. Theo bà Vũ Thị Ngọc Mai, Ủy viên ban giáo dục môi trường Việt Nam: Việc giáo dục môi trường là hết sức quan trọng, vì việc giáo dục về môi trường sẽ góp phần củng cố và hiện thực hóa các chiến lược và chính sách về môi trường.
Bà Vũ Thị Ngọc Mai cho biết:“Hiện nay, ASEAN đang đẩy mạnh hoạt động giáo dục môi trường. Nó giữ vai trò quan trọng nhất trong việc nâng cao ý thức mọi người về bảo vệ môi trường. Qua đó chúng ta sẽ xây dựng những hành động bảo vệ môi trường một cách chắc chắn nhất, bền bỉ nhất”.
Cộng đồng ASEAN đang ngày càng khẳng định vai trò và vị trí trên trường quốc tế. Tuy nhiên, khu vực ASEAN vẫn đang phải đối mặt với những thách thức môi trường to lớn về tài nguyên nước, chất lượng không khí, sự suy giảm tài nguyên và đa dạng sinh học, ô nhiễm đại dương. Trước những thách thức này, các nước ASEAN đang nỗ lực chung tay vì một môi trường chung của khu vực và thế giới./.