Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan tới nguồn gốc virus SARS-CoV-2 trong tuần này đã leo thang lên một nấc thang mới sau khi Tổng thống Donald Trump cảnh báo tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc và thậm chí là công khai khả năng đòi tiền bồi thường. Dù cơ hội thành công là rất thấp và vẫn chưa rõ Mỹ sẽ đẩy vụ việc đi bao xa, song rõ ràng, căng thẳng ngoại giao giữa hai nước đang làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế do Covid-19.
Phát biểu với phóng viên tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump tuyên bố, tăng thuế đối với Trung Quốc “rõ ràng là một phương án” khi ông đang cân nhắc các cách đáp trả việc virus SARS-CoV-2 xuất phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc và lây lan trên khắp thế giới.
“Rất nhiều điều đang xảy ra liên quan đến Trung Quốc. Dĩ nhiên chúng tôi không hài lòng với những gì đã xảy ra. Đây là một tình huống tồi tệ đối với toàn thế giới và chúng ta sẽ có rất nhiều điều để nói về vấn đề này. Việc áp thuế đối với Trung Quốc chắc chắn sẽ là một lựa chọn”, Tổng thống Trump khẳng định.
Cũng giống như nhiều quốc gia khác, Mỹ đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có. Nếu như con số thiệt hại về người là rất nặng nề với hơn 235.000 người tử vong trên thế giới, thì những chỉ số về kinh tế cũng không hề nhỏ. Dù hiện chưa có bất kỳ con số đánh giá cụ thể nào về mức độ thiệt hại, song chỉ riêng những kế hoạch phục hồi và hỗ trợ hoạt động kinh tế hay thậm chí là buộc phải cho người lao động tạm thời nghỉ việc đã tiêu tốn tới hàng nghìn tỷ USD. Trong một bối cảnh như vậy, thì dường như việc Mỹ chĩa mũi dùi về phía Trung Quốc không quá bất ngờ.
Áp thuế quan cũng đồng nghĩa với việc nhà lãnh đạo Mỹ đã quyết định có bước đi trực diện và thẳng thừng hơn thay vì hủy các nghĩa vụ nợ của nước này với Trung Quốc như những thông tin đồn đoán trước đó.
Một số nguồn tin tại Nhà Trắng thậm chí còn cho biết, Tổng thống Donald Trump đã đề cập khả năng thực thi những biện pháp mạnh tay, có khả năng đẩy Bắc Kinh vào thế buộc phải trả đũa. Một trong số đó là viễn cảnh bỏ “quyền miễn trừ quốc gia” của Trung Quốc, hướng đến cho phép chính phủ hoặc “nạn nhân” Mỹ khởi kiện Trung Quốc đòi bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, kịch bản này rất khó thành công và có thể cần Quốc hội xây dựng đạo luật. Hơn nữa, mọi cuộc thảo luận hiện chỉ mang tính sơ bộ và theo một số nhà phân tích, Tổng thống Donald Trump sẽ tự biết chừng mực bởi Trung Quốc vẫn là nguồn cung cấp vật tư y tế quan trọng cho cuộc chiến với Covid-19 tại Mỹ.
Ngoài ra, việc Tổng thống Donald Trump gia tăng chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc vào thời điểm hiện nay có thể chỉ là một chiến lược chính trị trong bối cảnh các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng mới đây cũng yêu cầu Mỹ chấm dứt việc lôi kéo Trung Quốc vào cuộc chiến bầu cử của nước này:
“Chúng tôi hy vọng người Mỹ sẽ không lôi kéo Trung Quốc vào các chính sách bầu cử của họ. Một số chính trị gia của Mỹ đã coi nhẹ sự thật, phỉ báng và tấn công Trung Quốc hòng trốn tránh trách nhiệm của mình trong cuộc chiến chống Covid-19. Tuy nhiên, những hành vi như vậy không thể xóa bỏ được những thành tựu chống dịch bệnh mà người dân Trung Quốc đã đạt được, mà chỉ phơi bày các vấn đề nghiêm trọng của chính họ”.
Dù với bất kỳ lý do gì, song rõ ràng những căng thẳng ngoại giao hiện nay đã “đổ thêm dầu” vào cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres mới đây đã bày tỏ lo ngại những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể đẩy thế giới vào tình trạng “thiếu sự lãnh đạo toàn cầu” trong đối phó các vấn đề nóng toàn cầu, mà một trong số đó là cuộc chiến chống Covid-19 hiện nay. Ông thừa nhận, cộng động quốc tế đang bị chia rẽ vào một thời điểm mà chúng ta cần phải thống nhất hơn lúc nào hết./.