Anh và Liên minh châu Âu ngày 11/10 nhất trí tiếp tục các cuộc đàm phán sâu hơn nhằm khơi thông bế tắc liên quan tới tiến trình Brexit, trong bối cảnh còn chưa đầy 20 ngày nữa là tới thời điểm Anh chính thức phải rời khối.
27 nước thành viên còn lại của Liên minh châu Âu đã bật đèn xanh cho nhà đàm phán hàng đầu Michel Barnier để thảo luận sâu hơn với Anh. Trước đó sáng cùng ngày ông Barnier đã có cuộc gặp kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ với Bộ trưởng Brexit của Anh Stephen Barclay. Chi tiết cuộc gặp sẽ được công bố vào đầu tuần tới, tức chỉ 1 ngày trước cuộc họp Ngoại trưởng Liên minh châu Âu tại Luxembourg. Song theo chính phủ Pháp, những cuộc thảo luận là mang tính xây dựng.
Bộ trưởng Brexit của Anh Stephen Barclay (trái) bắt tay nhà đàm phán hàng đầu EU Michel Barnier ở Brussels, Bỉ. Ảnh: Sky News |
Sau một tuần đàm phán, dù không có bất kỳ thông báo cụ thể nào được đưa ra và thậm chí còn bị phủ bóng bởi những tuyên bố gây căng thẳng từ cả Anh và Liên minh châu Âu, song cuộc gặp giữa Thủ tướng Boris Johnson và người đồng cấp Cộng hòa Ireland Leo Varadkar hồi giữa tuần đã mang lại làn gió lạc quan. Hai nhà lãnh đạo đều khẳng định đã nhìn thấy con đường hướng tới thỏa hiệp liên quan tới vấn đề biên giới trên đảo Ireland.
Phát biểu sau cuộc gặp sáng qua với Bộ trưởng Brexit của Anh Stephen Barclay, nhà đàm phán hàng đầu Liên minh châu Âu Michel Barnier dù tỏ ra thận trọng, song cũng có phần nhẹ nhõm hơn khi vì tiến trình Brexit như một cuộc leo núi, cần quyết tâm, sự thận trọng và kiên trì.
“Chúng tôi đã có cuộc thảo luận mang tính xây dựng với Bộ trưởng Brexit của Anh Stephen Barclay và nhóm đàm phán của Anh. Tôi sẽ thông tin chi tiết tới 27 nước thành viên còn lại về khả năng có hay không những cuộc đàm phán thực sự. Brexit giống như leo lên một ngọn núi, chúng ta cần quyết tâm, sự thận trọng và kiên trì”, ông Barnier nói.
Một nguồn tin châu Âu cho biết, Anh có thể sẵn sàng xem xét lại vấn đề kiểm soát hải quan trên đảo Ireland. Đây là hòn đá tảng lớn nhất trong các cuộc đàm phán hiện nay. Chính phủ Anh yêu cầu xóa bỏ điều khoản chốt chặn cuối cùng trong thỏa thuận chia tay đạt được dưới thời cựu Thủ tướngTheresa May và từng 3 lần bị Nghị viện Anh bác bỏ. Theo nước này, việc duy trì điều khoản sẽ gây huy hại cho sự độc lập về thương mại của Anh.
Thủ tướng Boris Johnson nhấn mạnh: “Trong mọi trường hợp, chúng tôi sẽ không làm bất kỳ điều gì có thể gây nguy hại cho Vương quốc Anh, sẽ tận dụng được tối đa những lợi ích mà Brexit mang lại. Tôi nghĩ là tôi có thể đáp ứng được kỳ vọng của người dân và điều tốt nhất phải làm bây giờ là hãy để các nhà đàm phán tiếp tục và hoàn thành công việc của mình.”
Hiện khả năng những cuộc đàm phán sâu hơn có thể giúp các bên đi tới một thỏa thuận từ nay đến cuối tháng 10 vẫn là chưa chắc chắn. Và trong trường hợp không thể đạt thỏa thuận từ nay đến ngày 19/10, Điều luật Benn được Nghị viện Anh thông qua hồi tháng trước sẽ được kích hoạt, buộc Thủ tướng phải xin gia hạn Brexit thêm 3 tháng.
Tuy nhiên, Thủ tướng Boris Johnson đã bác bỏ bất kỳ lần trì hoãn nào nữa và khẳng định Anh sẽ rời Liên minh châu Âu đúng ngày 31/10. Theo một nhà ngoại giao châu Âu, hiệp ước Lisbon không có phép Thủ tướng Boris Johnson xin gia hạn và đây là vấn đề mà Anh và Liên minh châu Âu phải thỏa hiệp với nhau. Và nếu có thể khiến Liên minh châu Âu phải đưa ra yêu cầu trước, thì điều này sẽ phần nào cứu vãn được thể diện của nước Anh./.