Trong đó, cuộc thảo luận tập trung vào vấn đề Triều Tiên trong bối cảnh đây cũng là vấn đề gây quan ngại sâu sắc từ các nước trong khu vực.
Trong cuộc gặp với 2 người đồng cấp Mỹ và Hàn Quốc bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM), Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Odonera cho rằng mối đe dọa từ Triều Tiên đã gia tăng lên mức chưa từng có tiền lệ, nghiêm trọng và rõ ràng, do đó Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cần đưa ra các biện pháp đáp trả khác nhau để đối phó với mối đe dọa này.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis một lần nữa khẳng định lập trường phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên: “Chúng tôi thảo luận về tình hình an ninh hiện tại với các đồng minh đáng tin cậy. Chúng tôi muốn củng cố trật tự quốc tế dựa trên sự tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do hàng hải vì lợi ích thương mại của tất cả các nước.
Những hành động khiêu khích của Triều Tiên đe dọa an ninh khu vực và toàn cầu bất chấp sự lên án mạnh mẽ của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Như lời Ngoại trưởng Tillerson từng nói, Mỹ khẳng định quyết tâm không thể suy chuyển nhằm phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên”.
Đây là cuộc gặp ba bên đầu tiên giữa Bộ trưởng Quốc phòng trong chính quyền mới tại Mỹ-Nhật-Hàn, theo đó, 3 bên cam kết tiếp sức cho nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên dựa trên các biện pháp ngoại giao. Theo thông cáo báo chí đưa ra sau cuộc gặp, ba bên cũng nhất trí tiếp tục hậu thuẫn chiến dịch của cộng đồng quốc tế ngăn chặn các loại hàng mà Triều Tiên sử dụng để phát triển các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng 3 nước cũng ghi nhận tầm quan trọng của các biện pháp chung đối phó với những hành động gây căng thẳng của Bình Nhưỡng như chia sẻ thông tin và tập trận chung với sự tham gia của các máy bay ném bom chiến lược của Mỹ, đồng thời tái khẳng định các kế hoạch tiếp tục hoạt động cảnh báo ba bên về tên lửa đạn đạo và tập trận chống tàu ngầm.
Mỹ đến nay vẫn khẳng định ưu tiên giải pháp ngoại giao cho vấn đề Triều Tiên, song vẫn để ngỏ bên cạnh đó là biện pháp quân sự. Theo một quan chức cấp cao Nhà Trắng, trong chuyến thăm châu Á tháng 11 tới, trong đó có điểm dừng chân Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ hối thúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thực thi toàn diện các nghị quyết của Hội đồng Bảo an về Triều Tiên cũng như gia tăng sức ép với Bình Nhưỡng. Theo quan chức này, ông chủ Nhà Trắng vẫn đang tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề Triều Tiên.
Trong bối cảnh an ninh toàn cầu đối mặt với nhiều thách thức lớn, hôm nay (24/10), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng, bao gồm 10 các nước ASEAN và các nước đối tác Nga, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ausstralia, Ấn Độ và New Zealand tiếp tục thảo luận về những vấn đề ảnh hưởng tới an ninh và ổn định của khu vực. Trong đó, vấn đề hạt nhân Triều Tiên khiến các nước không khỏi quan ngại.
Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Bộ trưởng Quốc phòng nước chủ nhà Delfin Lorenzana nói: “Tôi lạc quan rằng chúng ta có thể mở rộng các lĩnh vực hợp tác trong các vấn đề an ninh và quốc phòng, bao gồm chống chủ nghĩa khủng bố, bạo lực cực đoan, an ninh hàng hải, an ninh mạng, cứu hộ và cứu trợ nhân đạo trong các thảm họa và các chiến dịch gìn giữ hòa bình”.
Trước đó, trong ngày làm việc hôm qua (23/10), Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, đồng thời hối thúc Bình Nhưỡng tuân thủ các nghĩa vũ quốc tế và nối lại đối thoại. Trong tuyên bố chung được đưa ra tại Hội nghị, các bộ trưởng quốc phòng ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, đồng thời kêu gọi thực thi kiềm chế và nối lại đối thoại nhằm giảm leo thang căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên./.