Sáng 31/5, Chủ tịch Hội đồng EU Charles Michel xác nhận các quốc gia thành viên của liên minh này đã nhất trí về nguyên tắc vòng trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga, trong đó có lệnh cấm vận một phần dầu mỏ. Các biện pháp trừng phạt được áp đặt nhằm phản ứng trước chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Phát biểu trước báo giới 2 ngày trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh EU ở Brussels, ông De Croo cho rằng tác động của các biện pháp trừng phạt dầu mỏ sẽ "rất lớn" và vì thế việc "tạm dừng" là điều cần thiết.

"Với Bỉ, gói trừng phạt này là một bước tiến lớn nên hãy tạm dừng ở đây và chờ tác động của nó", Thủ tướng Bỉ nhận định.

Ông cũng cho rằng ưu tiên hiện nay là tìm ra biện pháp tốt nhất để "giữ giá năng lượng trong tầm kiểm soát".

Trong khi đó, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas ngày 31/5 kêu gọi EU thảo luận về lệnh cấm vận khí đốt như một phần của gói trừng phạt tiếp theo. Dù vậy, bà cho rằng liên minh sẽ không tiến tới những biện pháp như vậy trong thời gian ngắn. Dữ liệu từ Ủy ban châu Âu cho thấy EU nhập 40% khí đốt từ Nga.

"Tôi cho rằng khí đốt sẽ nằm trong gói trừng phạt thứ 7 nhưng nhìn nhận một cách thực tế thì tôi không cho là điều đó sẽ diễn ra".

Thủ tướng Áo Karl Nehammer đã khẳng định khí đốt "sẽ không được thảo luận trong gói trừng phạt tiếp theo".

Gói trừng phạt thứ 6 của EU nhằm vào Nga, dự kiến được thông qua ngày 1/6, sẽ loại ngân hàng lớn nhất của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Gói trừng phạt này cũng cấm thêm 3 hãng truyền hình Nga ở EU và áp đặt trừng phạt lên một số công dân Nga.

Các nhà lãnh đạo EU cho biết dầu mỏ Nga qua các đường ống sẽ bị cấm vào một thời điểm nào đó trong tương lai.

Tổng thống Putin nhận định, các nhà lãnh đạo châu Âu đang "tự sát" kinh tế khi từ bỏ năng lượng Nga. Moscow gọi những lệnh trừng phạt này là "bất hợp pháp" và "không công bằng", đồng thời tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả tương xứng. Nga cũng nhắc lại rằng, các khoản thanh toán khí tự nhiên phải được thực hiện bằng đồng rúp./.