Hàng loạt vụ tấn công xảy ra tại Afghanistan buộc Tổng thống Ashraf Ghani hôm qua (12/5) phải ra lệnh cho quân đội chuyển từ trạng thái phòng vệ sang tấn công.
Tình trạng bạo lực mới nhất tại quốc gia Nam Á này đang đặt ra câu hỏi về số phận của Tiến trình hòa bình đang được kỳ vọng, trong bối cảnh Afghanistan đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng y tế do dịch Covid-19 gây ra.
Hàng chục người thiệt mạng trong 2 vụ tấn công xảy ra liên tiếp tại Afghanistan hôm qua (12/5), trong đó có một vụ tấn công nhằm vào một bệnh viện phụ sản ở thủ đô Kabul. Không có nhóm nào nhận thực hiện vụ tấn công nhằm vào bệnh viện, nhưng Nhóm nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thừa nhận tấn công nhằm vào lễ tang ở miền Đông Afghanistan.
Tổng thống Ashraf Ghani ngay lập tức lên án những vụ tấn công khủng bố mà theo ông là do lực lượng Taliban và IS tiến hành. Theo đó, ông yêu cầu lực lượng an ninh kết thúc "trạng thái phòng thủ chủ động" và nối lại chiến dịch tấn công phần tử khủng bố.
“Bất chấp lời kêu gọi liên tục của chúng tôi và cộng đồng quốc tế, Taliban vẫn không giảm tình trạng bạo lực, thay đó tăng cường các vụ tấn công. Để đảm bảo an ninh cho những địa điểm công cộng và các mối đe dọa từ Taliban cùng các nhóm khủng bố khác, tôi yêu cầu lực lượng an ninh Afghanistan chuyển chế độ từ phòng thủ sang trạng thái sẵn sàng tấn công và bắt đầu chiến dịch chống lại kẻ thù”, ông Ashraf Ghani nói.
Lo ngại những diễn biến mới nhất có thể ảnh hưởng đến kế hoạch rút chân ra khỏi chiến trường Afghanistan hao tiền tốn của nhiều năm qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngay lập tức trấn an và xoa dịu căng thẳng.
Gọi các vụ tấn công này là kinh hoàng và ghi nhận tuyên bố của Taliban không liên quan đến vụ tấn công, ông Pompeo cho rằng, chính phủ Afghanistan và Taliban nên hợp tác để buộc những kẻ gây ra vụ tấn công phải chịu trách nhiệm. Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ lực lượng an ninh Afghanistan trước các vụ tấn công của Taliban.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cũng kêu gọi các bên tại Afghanistan dừng các vụ tấn công bạo lực, ngồi xuống đối thoại hòa bình: “Tôi nghĩ điều đúng đắn để Taliban làm hiện giờ đó là tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận đã ký, giảm tình trạng bạo lực, tham gia đối thoại hòa bình với chính phủ Afghanistan. Trong khi đó các lực lượng chính trị tại Afghanistan cũng phải sớm giải quyết các bất đồng, thành lập nhóm đàm phán để đối thoại với Taliban. Đó là những bước đi đúng đắn”.
Thỏa thuận hòa bình Afghanistan được ký giữa Mỹ và Taliban vào tháng 2/2020 đang được ví von như một “bệnh nhân hôn mê nhưng không ai sẵn sàng rút máy thở”. Sự thiếu vắng cam kết của chính phủ Afghanistan trong thỏa thuận này là một trong những yếu tố lớn gây cản trở việc thực hiện thỏa thuận.
Đã có nhiều câu hỏi từ các quan chức Afghanistan rằng, đây là một thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban không bao gồm chính phủ Afghanistan. Chính phủ nước này đang bị yêu cầu thực hiện những nghĩa vụ đi ngược lại Tuyên bố chung với Mỹ. Ngoài ra các vấn đề như bạo lực gia tăng, bế tắc chính trị nội bộ tại Afghanistan luôn có nguy cơ đẩy tiến trình hòa bình đi trệch hướng.
Mặc dù vậy, cuộc chiến kéo dài hơn 18 năm qua tại Afghanistan đã chứng minh một thực tế rằng đối đầu quân sự luôn không phải là một giải pháp hiệu quả.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, “ không có lựa chọn thực tế nào khác ngoài hòa bình cho Afghanistan. Giờ là thời điểm để cho người Mỹ rút quân, người Afghanistan cùng nhau tham gia một tiến trình đối thoại hòa bình thực chất, hướng đến một tương lai bền vững toàn diện cho quốc gia Nam Á này”./.