Theo tờTelegraph, đây là lần đầu tiên Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi chiếm đa số trong Quốc hội Myanmar sau hơn 50 năm Quốc hội nước này thuộc quyền kiểm soát của quân đội.
Trước đó, Đảng NLD của bà đã giành chiến thắng vang dội trước Đảng cầm quyền Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) trong cuộc bầu cử hồi tháng 11/2015.
Bà Suu Kyi xuất hiện tại tòa nhà Quốc hội Myanmar. Ảnh Telegraph |
Bà Suu Kyi- người từng đoạt giải Nobel Hòa bình- đã tìm cách né tránh đám phóng viên xuất hiện bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Nay Pyi Taw và đi cửa bên để vào tòa nhà. Các nghị sĩ trong Đảng của bà trong trang phục màu da cam dường như “chìm nghỉm” giữa “biển” quân phục màu xanh nhạt của quân đội Myanmar.
Nghị sĩ U Min Oo cho biết, ngày hôm nay (1/2) là ngày rất đặc biệt: “Đây là lần thứ 2 tôi được bầu, tuy nhiên, lần này mọi thứ thực sự khác biệt bởi NLD đang chiếm đa số áp đảo tại Quốc hội. Mặc dù vậy, chúng tôi có những xuất phát điểm rất khác nhau và điều này đảm bảo sự đa dạng trong Quốc hội”.
Nghị sĩ Win Myint, một trong những người thân cận với bà Suu Kyi, đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Hạ viện, trong khi đó, nghị sĩ Khun Myat của Đảng USDP được bầu là Phó Chủ tịch.
Tổng thống Thein Sein, một cựu tướng lĩnh Myanmar, sẽ từ nhiệm vào tháng 3 hoặc tháng 4 tới để nhường vị trí này cho một nhân vật thuộc Đảng NLD.
Dù bà Suu Kyi không thể trở thành Tổng thống theo Hiếp pháp do quân đội nước này đề ra, việc Đảng NLD của bà chiếm đa số áp đảo tại cả hai viện Quốc hội Myanmar sẽ tạo điều kiện để bà lựa chọn ra một Tổng thống trong số những người tin cẩn của bà.
Bà Suu Kyi từng tuyên bố, chiến thắng của Đảng NLD đã đặt bà “ở vị trí cao hơn một Tổng thống”. Dự kiến, bà sẽ công bố ứng viên cho chức vụ Tổng thống vào cuối tháng này.
Lực lượng quân đội và Chính phủ Myanmar đã khẳng định sẽ tôn trọng sự lựa chọn của bà Suu Kyi.
Mặc dù vậy, 3 chiếc ghế được coi là quan trọng nhất trong Nội các Myanmar là Bộ Nội vụ, Quốc phòng và Biên giới sẽ vẫn được dành cho các tướng lĩnh quân đội nước này. Điều này đảm bảo cho họ duy trì được ảnh hưởng của mình tại Myanmar.
Đại sứ EU tại Myanmar Roland Kobia cho biết, Myanmar đang đi đúng lộ trình để hướng tới một nền dân chủ thực sự.
“Myanmar đang từng bước cho thấy khát vọng hướng tới một nền dân chủ thực sự và một đường lối chính trị hoàn toàn mới. Dù vẫn còn nhiều việc phải làm nhưng tiến trình này sẽ được thực thi nhờ cam kết cảu người dân Myanmar và ý chí chính trị của các nhà lãnh đạo nước này”, ông Kobia nói./.