Thỏa thuận góp phần khép lại một giai đoạn khủng hoảng giữa hai nước, với con số thương vong lên tới hàng nghìn người.
Chính phủ Armenia hôm 14/11 cho biết, hơn 2.300 binh sĩ nước này đã thiệt mạng trong cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh, cao hơn gấp đôi so với thống kê trước đó.
Nằm sâu trong lãnh thổ Azerbaijan nhưng lại có đa số dân là người gốc Armenia, khu vực này trong suốt 6 tuần qua đã trở thành điểm nóng xung đột giữa hai quốc gia láng giềng. Phía Azerbaijan chưa công bố con số thương vong trong quân đội, song cho biết, 93 dân thường đã thiệt mạng do bom đạn của Armenia.
Ngày 9/11 vừa qua, dưới sự bảo trợ của Nga, Armenia và Azerbaijan đã ký một thỏa thuận ngừng bắn chấm dứt xung đột. Văn kiện đảm bảo quyền kiểm soát của Azerbaijan đối với một số vùng ở Nagorno-Karabakh. Ngay trong tuần này, lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga đã được triển khai tới khu vực xung đột để đảm bảo các bên tuân thủ lệnh ngừng bắn.
Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh: “Các bên đã nhất trí ngừng bắn hoàn toàn và chấm dứt tất cả các hành động quân sự tại Nagorno-Karabakh. Chúng tôi tin rằng, thỏa thuận sẽ thiết lập những điều kiện cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng Nagorno-Karabakh một cách lâu dài và đầy đủ trên cơ sở công bằng, tôn trọng luật pháp và vi lợi ích của cả Armenia và Azerbaijan.”
Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan
Hôm 14/11 đã có cuộc thảo luận qua điện thoại nhằm đánh giá việc thực hiện thỏa thuận cho tới thời điểm hiện nay. Các bên đều thể hiện sự hài lòng khi lệnh ngừng bắn mới đã được tuân thủ.
Những tranh chấp chủ quyền giữa Azerbaijan và Armenia tại Nagorno-Karabakh đã kéo dài hàng thập kỷ, mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh déo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994, khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng. Để đi tới lệnh ngừng bắn này, Armenia và Azerbaijan đã trải qua 3 lệnh ngừng bắn thất bại liên tiếp bất chấp các nỗ lực trung gian hòa giải của Mỹ, Nga và Pháp. Vấn đề Nagorno-Karabakh không chỉ là tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, mà còn là những mâu thuẫn sắc tộc kéo dài nhiều năm.
Trong một bước đi nhằm thể hiện sự phản đối, nhiều người dân làng ở quận Kalbajar ven Nagorno-Karabakh đã phóng hỏa đốt chính căn nhà của họ trước khi đến Armenia theo thỏa thuận ngừng bắn.
Tuy nhiên, đối với một cuộc xung đột phức tạp với nhiều mâu thuẫn chủ quyền lãnh thổ và sắc tộc đan xen như Nagorno-Karabakh, thì việc hai bên chấp nhận thỏa thuận đã là thành công quan trọng bước đầu. Theo Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, đây sẽ là “khởi đầu mới cho kỷ nguyên của thống nhất và tái sinh dân tộc”./.