Australia là quốc gia có nhiều cơ sở nghiên cứu y khoa có uy tín trên thế giới. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, các cơ sở này đã ngay lập tức bắt bay vào việc nghiên cứu để điều chế vaccine Covid-19 cũng như tìm ra cách thức hiệu quả điều trị căn bệnh mới này. Vào lúc này nhiều cơ sở nghiên cứu tại Australia đang cùng chạy đua với thời gian để tìm ra các phương thức hiệu quả đối phó với Covid-19.

vaccine_mlyv.jpg
Các nhà khoa học của trường Đại học Queenland đang nghiên cứu để tìm ra vaccine Covid-19. Ảnh: Đại học Queensland.

Nhóm nghiên cứu của giáo sư Paul Young thuộc Trường đại học Queensland của Australia đang là một trong những cơ sở nghiên cứu đi đầu trong nỗ lực tìm ra vaccine phòng bệnh Covid-19 hiệu quả. Hiện nay, các nhà khoa học của trường Đại học Queensland đã bắt đầu giai đoạn thử nghiệm vaccine trên động vật sử dụng công nghệ kẹp phân tử mà họ đã nghiên cứu trong những tháng qua.  

Tại trường Đại học Monash, giáo sư Colin Pouton cùng với các đồng nghiệp cũng đang nghiên cứu vaccine mRNA để phòng bệnh Covid-19. Hiện giờ, vaccine này đang xin phép được tiến hành thử nghiệm trên động vật. Viện nghiên cứu trẻ em Murdoch tại thành phố Melbourne cũng bắt đầu chương trình thử nghiệm vaccine phòng lao để phòng bệnh Covid-19.

Ngoài các nghiên cứu để tìm ra vaccine có thể phòng tránh hiệu quả Covid-19, một số cơ sở nghiên cứu tại Australia cũng đang đi tìm các loại thuốc có thể điều trị căn bệnh mới này. Trong đó, có hai cơ sở đang thử nghiệm việc dùng thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine để điều trị Covid-19 trong khi 1 cơ sở khác lại thử nghiệm với thuốc điều trị HIV Kaletra. Thuốc kháng virus Remdesivir cũng đang được một cơ sở nghiên cứu khác của Australia thử nghiệm trong điều trị Covid-19.

Theo giáo sư Glyn Davis, Giám đốc điều hành Quỹ Paul Ramsay, việc nhiều cơ sở nghiên cứu cùng tham gia vào nỗ lực tìm kiếm vaccine cũng như loại thuốc điều trị hiệu quả Covid-19 là chiến lược tốt, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh qua đó khuyến khích các nhà khoa học đưa ra nhiều sáng kiến để tìm ra phương thức hiệu quả đối phó với Covid-19.

Việc nhiều cơ sở cùng nghiên cứu vaccine hay thuốc điều trị Covid-19 cũng đang khiến một số nhà khoa học lo ngại về sự trùng lặp và lãng phí công sức cũng như nguồn vốn đầu tư.

Tiến sỹ Kylie Wagstaff, chuyên gia nghiên cứu tại trường Đại học Monash nhận định, “chắc chắn sẽ có sự trùng lặp” vì không ai biết rằng các nhóm khác đang làm gì cả. Giáo sư Marnie Hughes-Warrington, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Australia cũng nhận định, có thể sự vội vàng đang khiến “mọi người dẫm chân lên nhau một chút”. Tuy vậy, dường như không ai “đang chiếm riêng một lãnh địa nào. Mọi người vẫn đang giúp đỡ lẫn nhau”.

Tiến sỹ Julian Clark, người đã dành nhiều năm là người đứng đầu bộ phận phát triển doanh nghiệp tại Viện Walter và Eliza Hall, nơi ông chịu trách nhiệm thương mại hóa venetoclax, loại thuốc trị ung thư nổi tiếng của Australia, lại cho rằng, chính quyền Australia cần có một chiến lược điều phối công tác nghiên cứu quốc gia để liên kết hoạt động nghiên cứu vaccine và thuốc điều trị Covid-19.

Giáo sư Colin Pouton của trường Đại học Monash cũng cho rằng, nếu có sự phối hợp giữa các cơ sở nghiên cứu thì sẽ rất hữu ích vì hiện nay các nhóm đều không biết nhóm khác đang làm gì. Song, giáo sư Mark Boyd, trưởng khoa Dược của Trường Đại học Adelaide cho rằng sự hợp tác trong lĩnh vực này không dễ bởi đây là một cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các cơ sở nghiên cứu./.