Ngay trước thềm cuộc đàm phán này, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond cho biết, đa phần các thành viên trong nội các Anh đều nhất trí rằng, nước Anh cần một giai đoạn chuyển tiếp trước khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU).

hammond_tkco.jpg
Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond. (Ảnh: EPA)

Phát biểu trước báo giới, ông Hammond nhấn mạnh, 5 tuần trước, giai đoạn chuyển tiếp là một khái niệm hoàn toàn mới. Tuy nhiên, giờ thì các Bộ trưởng trong Chính phủ đều đã chấp nhận khái niệm này.

Ông Hammond cũng nhấn mạnh, nước Anh đang trong tiến trình đàm phán ở giai đoạn đầu và nước Anh cần tối đa hóa sự cân bằng trong đàm phán để mang lại một thỏa thuận tốt nhất cho nước Anh.

Tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Anh đưa ra trong bối cảnh Hiệp hội ngành kinh doanh (CBI), một nhóm vận động hành lang của giới doanh nhân Anh, ngày 6/7 vừa qua đã kêu gọi Anh và EU nên thỏa thuận về một giai đoạn chuyển tiếp Brexit, cho phép Anh bảo vệ việc làm và đầu tư trước khi chính thức rời EU.

Theo đề xuất trên, Anh sẽ tìm cách ở lại trong thị trường chung châu Âu và liên minh thuế quan “cho đến khi một thỏa thuận cuối cùng có hiệu lực”, tức là một “giai đoạn chuyển tiếp hạn chế”, bắt đầu từ khi điều khoản 50 được kích hoạt cho tới cuối tháng 3/2019.

Tại vòng 2 đàm phán Brexit hôm nay (16/7), Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh, David Davis sẽ thảo luận với trưởng đoàn đàm phán châu Âu về Brexit Michel Barnier, tiếp theo là cuộc gặp của các nhà điều phối và các nhóm thương lượng. Ba nhóm đàm phán này sẽ thảo luận về quyền của công dân, giải pháp tài chính giữa Anh và EU, những vấn đề liên quan tới Bắc Ireland, và nhiều vấn đề riêng rẽ khác. Vòng đàm phán sẽ kéo dài đến ngày 20/7 tới./.

Anh vẫn có thể ở lại EU?

VOV.VN - Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair ngày 15/7 cho rằng, Anh có thể vẫn ở lại EU bất chấp kết quả trưng cầu ý dân về Brexit.