Chương trình khắc khổ của Anh được triển khai từ năm 2010, mặc dù đã đạt được một số kết quả cụ thể, nhưng nó vẫn vấp phải sự phản đối của phần đông người dân.

5 năm sau khi cuộc suy thoái kinh tế quét qua các thị trường tài chính thế giới, Anh hiện vẫn đang phải đối mặt với cuộc suy thoái kép do nợ công vượt quá 1.000 tỷ bảng, bất chấp các biện pháp khắc khổ.

Hãng xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Moody đã hạ bậc xếp hạng tín nhiệm nợ của Anh xuống 1 bậc từ mức AAA. Điều này cùng với việc đồng bảng xuống giá, đã dẫn tới cam kết tiếp tục cắt giảm chi tiêu và tăng thuế của Chính phủ Anh.

anh-quoc.jpg
Nợ công ở Anh đã vượt quá 1.000 tỷ bảng (Ảnh chụp Ngân hàng Anh.. Nguồn: guardian.co.uk)

Trong kế hoạch ngân sách 2013 được công bố ngày 20/3 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế xuống còn 0,6%, đồng thời tuyên bố cắt giảm 2,5 tỷ bảng trong nguồn ngân sách giành cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây lại là thời điểm tốt để tăng cường đầu tư.

Giáo sư Đại Warwick, ông Michael McMahon cho biết: “Đây là thời điểm tốt để Chính phủ đầu tư, vì lãi suất hiện tại thấp. Tất nhiên, họ thận trọng khi vay mượn nhiều và lo ngại lãi suất bị đẩy lên cao. Nhưng chúng ta có lĩnh vực xây dựng tương đối yếu. Anh có tỷ lệ thất nghiệp cao, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng. Đây là cơ hội tận dụng những nguồn chi phí thấp này. Chúng ta có sẵn nhân công để thực hiện các dự án”./.