Quân đội Ấn Độ ngày 1/9 đã ngăn chặn một nỗ lực xâm nhập lãnh thổ nữa của binh lính Trung Quốc tại khu vực Chumar nằm trên đường Kiểm soát Thực tế (LAC) giữa hai nước tại Đông Ladakh. Đây là lần thứ 3 chỉ trong 3 ngày qua, phía Trung Quốc thực hiện các nỗ lực xâm nhập lãnh thổ mà Ấn Độ quản lý.
Các nguồn tin quân sự Ấn Độ cho biết, 7 – 8 xe quân sự hạng nặng của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc xuất phát từ khu trại Chepuzi, có hành trình tiến về phía đường LAC do Ấn Độ kiểm soát.
Quân đội Ấn Độ di chuyển binh lính tới thị trấn Leh gần biên giới với Trung Quốc ngày 31/8 Ảnh: ANI. |
Ngay khi phát hiện diễn biến này, lực lượng an ninh Ấn Độ đã triển khai khẩn cấp để ngăn chặn ý đồ xâm nhập. Quan sát thấy lực lượng Ấn Độ có hành động sẵn sàng đáp trả, các xe quân sự của Trung Quốc đã quay trở lại nơi xuất phát. Binh lính Ấn Độ hiện được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ trên dọc tuyến LAC, sẵn sàng đáp trả bất cứ hành động xâm phạm nào của Trung Quốc.
Trước đó, trong đêm 29 và 30/8, Lục quân Ấn Độ đã phá vỡ một kế hoạch xâm nhập lãnh thổ của binh lính Trung Quốc tại bờ Nam hồ Pangong, gần Chushul ở Đông Ladakh.
Phía Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc đã "vi phạm các nhận thức chung trước đó trong các cuộc tiếp xúc ngoại giao và quốc phòng về vấn đề đối đầu tại Đông Ladakh, và đã triển khai các động thái khiêu khích quân sự để thay đổi hiện trạng".
Đến ngày 31/8, bất chấp việc các sỹ quan chỉ huy của hai bên vẫn đang thảo luận tại thực địa về việc giảm leo thang, quân đội Trung Quốc lại có các hành động khiêu khích mới.
Trong một thông cáo ra ngày 1/9, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng đã lên tiếng về "những hành động hung hăng và khiêu khích" của phía Trung Quốc. Phía Ấn Độ cũng thúc giục nước láng giềng siết chặt kỷ luật và kiểm soát binh lính ở tuyến đầu. Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định cam kết giải quyết tất cả các vấn đề còn tồn tại dọc đường LAC thông qua đối thoại hòa bình.
Tình trạng căng thẳng tại khu vực biên giới Ấn Độ - Trung Quốc kéo dài từ cuối tháng 4 đầu tháng 5 tới nay, sau khi quân đội Trung Quốc xâm nhập vào nhiều địa điểm tại Đông Ladakh. Tổng cộng đã có 5 cuộc đàm phán giữa hai bên ở cấp Trung tướng trong suốt 3 tháng qua nhưng vẫn chưa mang lại kết quả cụ thể nào./.