Cảnh sát Đức đã phát lệnh truy nã trên toàn châu Âu đối với công dân Tunisia 24 tuổi – một đối tượng xin tị nạn nhưng đã bị từ chối hồi tháng 6 song vẫn tiếp tục ở lại Đức và gây tội ác. Chi tiết này cùng việc bắt nhầm kẻ tình nghi khủng bố khiến chính phủ và lực lượng an ninh Đức đang bị chỉ trích nặng nề là đã lơ là dẫn đến thảm kịch.
Bộ trưởng nội vụ Đức nhấn mạnh những nỗ lực của cơ quan an ninh, với việc rà soát hơn 500 dấu vết ADN trên chiếc xe tải, và xác định được kẻ tình nghi mới là Anis Amri, 24 tuổi. Cảnh sát cũng tìm thấy một giấy tờ mang tên Amri dưới ghế của chiếc xe tải. Trong một cuộc họp báo, Bộ trưởng nội vụ bang Rhin - Westphalia khẳng định rằng, nghi phạm đã rất cơ động tại Đức trong nhiều tháng qua.
Tên này đến Đức vào tháng 6/2015 và đã thay đổi chỗ ở nhiều lần và đến Berlin sinh sống từ tháng 2/2016. Tên này bị bác đơn xin tị nạn hồi tháng 6/2016 nhưng đã không bị trục xuất do không mang giấy tờ chứng minh quốc tịch Tunisia (theo luật, châu Âu không được quyền trục xuất những người không rõ quốc tịch).
Đức cũng chỉ trích Tunisia gây chậm trễ trong quá trình trục xuất Amri, dẫn đến thảm kịch vừa rồi tại Berlin. Và điểm trùng hợp đáng chú ý là giấy thông hành do Tunisia cấp để phục vụ trục xuất tên Amri được gửi đến phía Đức vào hôm qua (21/12)-khi mọi chuyện đã muộn.
Phía Đức dù chưa khẳng định đây chính là kẻ gây vụ khủng bố tối 19/12 tại Berlin nhưng khẳng định mối liên hệ giữa tên này với các tổ chức hồi giáo cực đoan là đã rõ. Điều đáng nói là trước đó, tại trung tâm chống khủng bố của Đức, tên này đã bị tình nghi là chuẩn bị lên kế hoạch một vụ khủng bố.
Theo điều tra, trong 17 tháng qua, Amri đã sử dụng 6 danh tính khác nhau, lúc thì là người Ai Cập, lúc là người Lebanon và luôn khai ít hơn 3 tuổi so với năm sinh thực 1992 của mình.
Lực lượng an ninh Đức cũng bị chỉ trích yếu kém trong xử lý vụ khủng bố, khi 3 ngày sau, vẫn chưa thể xác định rõ ràng tình huống đã xảy ra như thế nào, người lái xe quốc tịch Ba Lan đã bị giết trước hay sau khi chiếc xe lao vào đám đông. Và đặc biệt là việc để lọt lưới kẻ tình nghi, dù cho một giấy tờ tùy thân mang tên này đã được tìm thấy trên chính chiếc xe tử thần.
Báo chí Đức cho biết, ít nhất từ tháng 3, tên Anis Amri đã nằm trong danh sách 550 kẻ “nguy hiểm”, và thậm chí đã có bằng chứng cho thấy hắn âm mưu lên kế hoạch một vụ khủng bố. Tên này cũng có quan hệ với phần tử cực đoan Ahmad Abdelaziz A., thường biết tới dưới mật danh Abu Wala – một kẻ rất tích cực trên mạng xã hội trong việc tìm kiếm những ứng cử viên thánh chiến cho IS ở Syria và Iraq.
Thêm một chi tiết cuối cùng, là buổi tối thứ ba, nhiều cơ quan thông tấn của Italia đã khẳng định trước khi đến Đức, tên Amri đã bị tù 4 năm vì gây cháy trong một trường học. Theo báo chí Italy, tên này đến Italy vào năm 2011 và nói mình là trẻ vị thành niên không có gia đình. Tất cả cho thấy tên Amri không xa lạ với cơ quan an ninh Đức và châu Âu.
Dư luận đặt câu hỏi về sự phối hợp giữa các cơ quan an ninh trong nội khối EU, khi mà tại Đức cũng có một sự việc khác đang gây tranh cãi: một kẻ tị nạn người Afghanistan bị cáo buộc hãm hiếp và giết một nữ sinh tại Bade-Wurtemberg; qua điều tra, cũng chính đã bị tù tại Hy Lạp với tội ác tương tự trước đó.
Trong vụ việc đó, cơ quan an ninh Đức cũng trách cứ phía Hy Lạp đã không đưa dữ liệu về tên tội phạm vào ngân hàng dữ liệu chung của châu Âu liên quan đến những đối tượng xin tị nạn. Người dân Đức cũng hoang mang hơn trước tình hình này, khi mà từ năm ngoái, đã có khoảng 1 triệu người tị nạn nhập cư vào Đức./.