Indonesia là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới, cao gần gấp đôi so với tỷ lệ tử vong trên toàn cầu (4,8%), dựa trên dữ liệu từ Đại học John Hopkins.
Indonesia đang nỗ lực dập dịch Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Tỷ lệ tử vong ở nước này chỉ thấp hơn Italy (10%). Xét đến mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh tại Đông Nam Á, Indonesia vẫn là quốc gia dẫn đầu.
Chính phủ Indonesia thông báo đã có 136 trường hợp tử vong (chiếm khoảng 8,9%) trên tổng số 1.528 ca mắc đến cuối tháng 3 vừa qua. Điều này đồng nghĩa với việc cứ 100 người mắc Covid-19 thì có khoảng 9 người tử vong. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng số ca tử vong trong cộng đồng trên thực tế ước tính còn cao hơn con số được xác nhận. Theo CNA, có ít nhất 3 yếu tố ảnh hưởng đến việc tính toán tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại Indonesia.
Rất ít người được xét nghiệm
Indonesia có dân số hơn 260 triệu người. Trong đó có hơn 8 triệu người sống ở thủ đô Jakarta – tâm chấn dịch bệnh. Tuy nhiên, nước này mới chỉ tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho 6.663 người tính đến ngày 1/4.
Cho đến nay, chính phủ chỉ tập trung xét nghiệm cho những người đã tiếp xúc với bệnh nhân mắc Covid-19 hoặc từng đi lại đến các khu vực bị ảnh hưởng do dịch bệnh trong vòng 14 ngày và xuất hiện các triệu chứng như sốt, ho, viêm họng, khó thở.
Nhưng theo mô hình toán học của Timothy W Russell và nhóm nghiên cứu từ Trường Y học nhiệt đới và vệ sinh dịch tễ London của Anh Indonesia chỉ phát hiện khoảng 4,5% tổng số các ca mắc có biểu hiện triệu chứng trong cộng đồng.
Nói cách khác, có thể còn khoảng 35.000 trường hợp khác chưa được phát hiện cho đến cuối tháng 3, với giả định số ca mắc tăng gấp đôi cứ mỗi 6 ngày, theo báo cáo của nhóm chuyên gia từ trường Đại học Oxford.
Tỷ lệ phát hiện các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Indonesia ít hơn nhiều so với Hàn Quốc – quốc gia có thể tìm ra 78% ca mắc bằng cách xét nghiệm hàng loạt. Nghiên cứu của Timothy W Russell cũng cho thấy, các nước có số ca tử vong cao như Italy, Tây Ban Nha và Iran có tỷ lệ phát hiện các trường hợp nhiễm virus tương đối thấp.
Gần 3 tuần sau khi trường hợp đầu tiên được công bố, chính phủ Indonesia mới bắt đầu tiến hành thử nghiệm nhanh chóng và trên diện rộng tại Jakarta, Tây Java và Banten.
Hầu hết trường hợp mắc bệnh không có triệu chứng hoặc bị nhẹ
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chỉ ra rằng, 80% số người mắc Covid-19 có các triệu chứng nhẹ (tương tự như triệu chứng cảm cúm thông thường) hoặc không biểu hiện triệu chứng.
WHO cho biết, khoảng 15% số người mắc có các triệu chứng nghiêm trọng và 5% rơi vào tình trạng nguy kịch. Tưởng tượng giống như 1 kim tự tháp - với hầu hết các trường hợp nghiêm trọng nằm ở trên đỉnh, thì theo cách thức xét nghiệm của Indonesia, những người có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng có thể không bị phát hiện.
Nghiên cứu của Đại học Hoàng gia London cũng cho thấy, phần lớn các ca mắc Covid-19 không bị phát hiện là những ca có triệu chứng nhẹ, xuất hiện triệu chứng không đặc thù hoặc không có triệu chứng nào. Điều này chỉ ra rằng, số ca mắc Covid-19 được chính thức xác nhận tại nhiều quốc gia, trong đó có Indonesia, đến nay còn ít hơn nhiều số ca mắc thực tế trong cộng đồng.
4 giai đoạn bùng phát dịch Covid-19 và bài học cảnh tỉnh cho Indonesia
Những bệnh nhân tử vong do có bệnh lý nền
Sự hiện diện của bệnh lý nền ở những bệnh nhân mắc Covid-19 khiến cho việc kết luận nguyên nhân gây tử vong trở nên khó khăn hơn. Có nhiều trường hợp bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng lại tử vong do bệnh mãn tính. Theo báo cáo của WHO thì cứ 10 trường hợp tử vong trên thế giới có 6 trường hợp do bệnh mãn tính gây ra (không tính thời điểm diễn ra dịch Covid-19).
Cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào đo lường cụ thể tỷ lệ tử vong hoàn toàn do Covid-19. Phần lớn các ca tử vong ở bệnh nhân mắc Covid-19 xảy ra ở những bệnh nhân có bệnh lý nền như tim mạch, tiểu đường và huyết áp cao. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet ngày 11/3 cho thấy, tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân mắc Covid-19 có bệnh lý nền cao hơn các bệnh nhân khác.
Theo đánh giá, Indonesia có 1,5% dân số tương đương 4 triệu người mắc bệnh tim mạch, 1,5% dân số mắc bệnh tiểu đường, trong khi người bị huyết áp cao chiếm 34% tương đương 60 triệu dân.
Các yếu tố khác
Để có một bức tranh chính xác hơn về tình hình dịch bệnh Covid-19, việc tính toán tỷ lệ tử vong cũng cần phải xét đến độ trễ của việc chẩn đoán: tức là thời gian kể từ ngày lấy mẫu xét nghiệm cho đến ngày mẫu vật được kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Thời gian chẩn đoán càng kéo dài, càng có nhiều trường hợp dương tính không được thông báo, trong khi số ca tử vong đã được thống kê. Và như vậy, tỷ lệ tử vong sẽ ở mức cao nếu không xét đến yếu tố vừa nêu.
Ngoài ra để xác định tỷ lệ tử vong hoàn toàn do Covid-19 cần phân biệt giữa việc tính tỷ lệ tử vong ở người già và người trẻ, cũng như phân biệt tỷ lệ tử vong trong các trường hợp có bệnh lý nền và trường hợp không mắc bệnh lý nền./.