Sáng nay (19/3), hàng loạt vụ đánh bom lại xảy ra trong nhằm vào người Hồi giáo Shiite tại thủ đô Baghdad của Iraq, làm ít nhất 25 người thiệt mạng và hơn 80 người khác bị thương. Các vụ bạo lực này là bằng chứng rõ ràng cho thấy, tình hình an ninh tại Iraq còn nhiều bất ổn, sau gần 10 năm Mỹ phát động cuộc chiến với mục tiêu hòa giải chính trị tại đất nước này.
Nhiều vụ nổ đã liên tiếp xảy ra tại các quận có đông người Hồi giáo dòng Shiite sinh sống ở thủ đô Baghdad. Nguồn tin từ cảnh sát địa phương cho biết, đã xảy ra ít nhất 10 vụ đánh bom xe và nhiều vụ nổ cũng như xả súng khác diễn ra tại nhiều khu vực ở Baghdad trong giờ cao điểm.
Nhà chức trách đã ra lệnh phong tỏa nhiều tuyến đường huyết mạch, trong khi lực lượng an ninh được triển khai tại các chốt kiểm soát. Hiện chưa có tổ chức nào nhận trách nhiệm về những vụ việc trên. Song nhiều ý kiến cho rằng thủ phạm là các tay súng người Sunni, vốn thường nhằm mục tiêu vào dân thường dòng Shiite và gây rối chính phủ của Thủ tướng Nuri al-Maliki.
Các vụ đánh bom liên tiếp xảy ra tại Iraq (Ảnh: CNN) |
Loạt vụ đánh bom trên xảy ra ngay trước thời điểm Iraq kỷ niệm 10 năm kết thúc cuộc chiến Mỹ phát động lật đổ nhà lãnh đạo Saddam Hussein.
Ngày 20/3/2003, với cái cớ chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein khi đó sở hữu nhiều vũ khí hủy diệt, Mỹ đã đơn phương phát động một cuộc chiến tranh nhằm vào Iraq. Mục đích ban đầu của cuộc can thiệp quân sự do Mỹ dẫn đầu nhằm vào Iraq là "mở ra một kỷ nguyên dân chủ tự do” tại quốc gia được coi là "trái tim” của Trung Đông này.
Tuy nhiên, cho đến nay, mục tiêu chiến lược của Mỹ vẫn chưa đạt được. Theo báo cáo mới nhất của tổ chức phi chính phủ Iraqi Body Count, hơn 170.000 dân thường Iraq và quân nhân chết trong cuộc chiến hoặc do khủng bố kể từ khi cuộc chiến tại quốc gia Trung Đông này bắt đầu và số người thương vong sẽ chưa dừng lại.
Một người dân tại Iraq bày tỏ: “Chúng tôi hy vọng sẽ được sống trong điều kiện tốt hơn khi lực lượng chiếm đóng của quân đội Mỹ tới Iraq, chúng tôi kỳ vọng rằng tình hình sẽ được cải thiện, nhưng trái với kỳ vọng của chúng tôi, tình hình ngày càng xấu đi. Chồng tôi - trụ cột của gia đình đã mất, để lại mình tôi cùng 6 đứa con, tôi không thể tưởng tượng rằng cuộc sống của mình có thể thay đổi như thế này”.
Không chỉ xóa đi giấc mơ “đổi đời” của người dân Iraq, cuộc chiến mà Mỹ phát động đã và đang tạo ra một sự khủng hoảng gắn kết chính trị, xã hội lẫn kinh tế. Chính các nhà chính trị của Iraq đã phải thừa nhận như vậy.
10 năm qua, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và nạn tham nhũng ngày càng tồi tệ cũng ngày càng kéo nền kinh tế Iraq rơi vào tình trạng kiệt quệ. Trong suốt 10 năm qua, thủ đô Baghdad hầu như không có tòa nhà dân sự nào được xây mới, mà thay vào đó, các đồn bốt và trạm gác quân sự tiếp tục mọc lên.
Các cuộc đánh bom khủng bố gia tăng cũng là dấu hiệu gia tăng các cuộc xung đột giữa ba cộng đồng chính - Shiite, Sunni và người Kurd. Thậm chí, các phần tử khủng bố cực đoan đã lợi dụng sự chia rẽ này để gây thêm những bất ổn.
Rõ ràng, đã 10 năm trôi qua, Iraq vẫn tiếp tục rơi vào vòng xoáy bất ổn của một cuộc khủng hoảng chính trị, tôn giáo và xã hội. Ngay cả khi các lực lượng Mỹ lần lượt rút khỏi Iraq, những hệ lụy từ các cuộc xung đột và bạo lực vẫn biến quốc gia này trở thành một trong những chiến trường đẫm máu nhất thế giới./.