Ngày 23/8, Hãng thông tấn chính thức của nhà nước Triều Tiên (KCNA) thông báo nhà lãnh đạo Kim Jong-un vừa đến thăm Viện nguyên liệu hóa học thuộc Học viện khoa học quốc phòng của nước này.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un vừa đến thăm Viện nguyên liệu hóa học thuộc Học viện khoa học quốc phòng Triều Tiên. (Ảnh: KCNA) |
“Ông đã chỉ đạo viện sản xuất thêm động cơ tên lửa dùng nhiên liệu rắn và đầu đạn tên lửa bằng việc mở rộng tiến trình sản xuất động cơ”, thông báo trên KCNA nêu rõ.
Chính những bức ảnh về chuyến thăm này đã trở thành đầu mối cho các chuyên gia tên lửa Mỹ ngay lập tức lần ra được bí mật của Triều Tiên.
Tên lửa Pukguksong mới?
“Triều Tiên đang cho chúng ta thấy, hoặc ít nhất là cố gắng thể hiện rằng, chương trình tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn của họ đang tiến bộ với tốc độ ổn định”, ông David Schmerler, chuyên gia tại Trung tâm James Martin về nghiên cứu không phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Monterey nhận định.
Một trong số những bức ảnh Triều Tiên vừa công bố cho thấy tấm áp phích treo trên tường nhắc tới một loại tên lửa tên là Pukguksong-3. Đây có thể là thế hệ mới của 2 phiên bản Pukguksong (Polaris – Bắc Cực Tinh), tên lửa tầm trung sử dụng nhiên liệu rắn mà Triều Tiên đã công bố.
Triều Tiên phóng thành công tên lửa Pukguksong-1 từ tàu ngầm hồi tháng 8/2016 và thử Pukguksong-2 trên cạn tháng 2/2017. Cả 2 tên lửa này đều thuộc loại tầm trung có thể nhắm vào các căn cứ của Nhật Bản và Mỹ nhưng chưa thể vươn tới lục địa Mỹ.
“Họ đã rất khôn ngoan khi sử dụng cùng một thiết kế cho tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và cả trên cạn”, Vipin Narang, giáo sư khoa học chính trị chuyên về không phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc Viện nghiên cứu công nghệ Massachusetts (MIT) nhận định. “Trên mặt đất thì nó dễ di chuyển, lưu kho và phóng đi hơn. Họ chỉ cần thêm một hệ thống vỏ bọc để phóng được dưới biển”.
Triều Tiên khao khát phát triển tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn vì Bình Nhưỡng cần những vũ khí có thể phóng nhanh và khó bị phát hiện - ông Michael Duitsman, một chuyên gia khác của Trung tâm James Martin nhận định.
“Tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn được triển khai nhanh hơn rất nhiều vì chúng luôn được nạp sẵn nhiên liệu, vì thế họ chỉ cần đưa vũ khí đến nơi muốn phóng đi”, ông nêu rõ. “Nó không chỉ dễ triển khai hơn mà còn khó bị phát hiện hơn trước khi phóng đi vì thời gian cho khâu chuẩn bị được giảm đi rất nhiều”.
Hiện tất cả các tên lửa đạn đạo của Mỹ và Nga đều đã sử dụng nhiên liệu rắn.
Tên lửa Hwasong thế hệ mới?
Một bức ảnh khác khó xác định hơn song nó cho thấy Triều Tiên cũng có thể đang phát triển thế hệ tiếp theo của dòng tên lửa Hwasong (Mars – Hỏa Tinh).
(1) - Thiết kế được cho là của tên lửa Pukguksong-1. (3) - Thiết kế được cho là tên lửa Hwasong-13 mới. |
Tháng trước, Triều Tiên đã phóng thử thành công tên lửa Hwasong-14, được cho là có khả năng vươn tới lục địa Mỹ dù Bình Nhưỡng vẫn có thể phải cần thêm 1 năm hoặc lâu hơn nữa trước khi tên lửa này trở thành mối đe dọa thực sự nghiêm trọng với Washington.
Ông Duitsman đoán rằng tên lửa mới có thể là giống Hwasong-13 hoặc Hwasong-11.
“Nếu đó là Hwasong-13 thì nó đã có thay đổi rất lớn về thiết kế”, ông nhận định, đồng thời cho rằng còn cần thêm phân tích khác. “Hwasong-13 ra mắt năm 2012 vốn dùng nhiên liệu lỏng. Việc chuyển từ nhiên liệu lỏng sang rắn hay ngược lại là điều mà bạn thường sẽ không làm bởi nguyên tắc thiết kế rất khác nhau”.
Cùng với đó, KCNA cũng tuyên bố rằng Viện nguyên liệu hóa học của Triều Tiên đã sản xuất được vật liệu “sử dụng cho nhiều thiết bị vũ khí hiện đại, trong đó có các vật liệu chống nhiệt và vật liệu cho đầu đạn cũng như động cơ của dòng tên lửa Hwasong”.
“Viện đã nghiên cứu, phát triển và nội địa hóa thành công carbon 3D/hỗn hợp cacbua silicon (silicon carbide composite), loại vật liệu tiên tiến nhất sử dụng trong sản xuất đầu đạn và ống xả cho động cơ sử dụng nhiên liệu rắn của tên lửa đạn đạo liên lục địa” – KCNA nêu rõ.
Vỏ bọc mới cho tên lửa bay xa hơn
Trong một bức ảnh khác, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đứng cạnh một thùng chứa lớn màu đồng mà các chuyên gia phỏng đoán rằng có thể là vỏ bọc tên lửa bằng nhựa được gia cố bằng các sợi đan.
“Đây không phải là một vụ phóng tên lửa những nó vẫn rất bất ngờ đối với những người thường xuyên theo dõi chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên”, chuyên gia Duitsman nói. “Nhìn thấy vỏ bọc đó vào lúc này là điều sớm hơn dự đoán của tôi”.
(1) - Thùng chứa màu đồng được cho là vỏ bọc tên lửa mới của Triều Tiên. |
Cả 2 chuyên gia David Schmerler và Michael Duitsman đều cho rằng vỏ bọc bằng các sợi đan trong bức ảnh trên có thể nhẹ hơn rất nhiều phiên bản bằng kim loại trước đây và điều đó cho phép các tên lửa của Triều Tiên bay xa hơn trong tương lai.
Khi Hải quân Mỹ lần đầu chuyển sang dùng vỏ bọc loại nhẹ hơn vào những năm 1960, tên lửa của họ đã bay thêm được tới 800km, tức là tăng khoảng cách lên khoảng 50%. Tuy nhiên, ông Duitsman cũng lưu ý rằng khi đó Hải quân Mỹ đã thay cả nhiên liệu phóng.
Chiêu khoe “khéo” tiến bộ của Triều Tiên
Ông David Schmerler cho rằng dường như những “bí mật” về các tên lửa mới, nguyên liệu mới và vỏ bọc tên lửa mới của Triều Tiên không “vô tình” bị lộ ra.
“Tôi không nghĩ rằng có bất cứ sai lầm nào trong chuyện này”, ông nói. “Những bức ảnh rõ ràng đề cập tên lửa Pukguksong-3, thứ mà Triều Tiên có thể sớm cho chúng ta thấy”.
Những bức ảnh trên do tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, thực hiện và được KCNA công bố chỉ 2 ngày sau khi Mỹ và Hàn Quốc khởi động cuộc tập trận chung thường niên mang tên “Người bảo vệ tự do Ulchi”, vốn bị Bình Nhưỡng coi là hoạt động tập dượt cho chiến tranh.
Động thái cho thấy dù “xuống thang” trong căng thẳng với Mỹ và Hàn Quốc khi hoãn công bố kế hoạch tấn công đảo Guam, nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn phải tái khẳng định với Washington và Seoul rằng Triều Tiên luôn đáng gờm đến mức nào./.Triều Tiên tung video đe dọa tấn công Guam