Bốn tháng trước khi tiến hành vụ phóng tên lửa ngày 4/7 vừa qua, Triều Tiên đã bất ngờ hé lộ cho thế giới biết kỹ thuật động cơ mới nhất mà nước này tuyên bố là có thể đưa tên lửa mang đầu đạn hạt nhân chạm tới các thành phố của Mỹ. Một đoạn băng do truyền hình nhà nước Triều Tiên công bố đã cho thấy một cỗ máy mà theo các chuyên gia Mỹ là có hình dạng rất giống loại tương tự của Liên Xô cũ.

hwasong_14_anh_ap_nfba.jpg
Hình ảnh do Triều Tiên cung cấp về vụ phóng tên lửa Hwasong-14 ngày 4/7/2017. Ảnh: AP.

“Điều đó khiến tôi bàng hoàng”, Michael Elleman, chuyên gia về tên lửa tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) nhận định. Michael đã chú ý đến sự giống nhau giữa động cơ mà Triều Tiên thử từ hồi tháng 3 với loại Nga sử dụng vào cuối Chiến tranh Lạnh mà ông từng nghiên cứu. Michael cho biết: “Câu hỏi đầu tiên của tôi là họ còn có gì nữa?”

Sau nhiều nghiên cứu, Michael, một cựu cố vấn của Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) cùng một số chuyên gia khác đã kết luận rằng, thiết kế động cơ tên lửa mới của Triều Tiên có nhiều nét học hỏi từ loại mà Liên bang Xô Viết sử dụng từ những năm 1960, gọi là R-250.

Việc phát hiện ra sự giống nhau giữa tên lửa Triều Tiên và Nga đã hướng sự chú ý đến câu là: “Làm thế nào chương trình tên lửa của Triều Tiên có thể tiến bộ nhanh chóng đến thế bất chấp những lệnh trừng phạt kinh tế và cấm xuất khẩu công nghệ quốc phòng sang nước này?

Nền tảng kiến thức từ đâu?

Một số chuyên gia vũ khí tin rằng sự tiến bộ thời gian qua phản ánh năng lực kỹ thuật quốc phòng thực sự của Triều Tiên. Số khác cho rằng có những yếu tố bên ngoài, có thể là một số nhà khoa học Nga đã cung cấp thiết kế hay các công ty Trung Quốc cung cấp thiết bị điện cần dùng của hệ thống dẫn đường cho tên lửa hiện đại.

Theo tờ Washington Post (Mỹ), Triều Tiên được cho là đã có các thiết kế tên lửa khác của Xô Viết trong quá khứ.

Tờ báo này dẫn chứng rằng, ngày 15/10/1992, có 60 nhà khoa học tên lửa của Xô Viết cùng với người thân đã bị chặn lại ở sân bay Sheremetyevo-2 ở thủ đô Moscow khi đang định lên đường sang Triều Tiên. Các nhà khoa học này cho biết họ được một tập đoàn thuê để giúp Triều Tiên xây dựng một hạm đội tên lửa hiện đại.

“Chúng tôi muốn kiếm tiền rồi trở về nước”, một trong những nhà khoa học lúc đó giải thích với phóng viên Nga. Bởi vào giai đoạn đầu sau khi Liên bang Xô Viết tan rã, công việc và thu nhập của các nhà khoa học chuyên về vũ khí ở đây giảm đáng kế.

Theo Washington Post, nhiều nhà khoa học khác đã thực sự sang được Triều Tiên, mang theo khối kiến thức và kinh nghiệm hàng thập kỷ của họ, cùng với các phần của những bản thiết kế vũ khí. Điều này khởi đầu cho sự ảnh hưởng của các yếu tố Nga đối với kho tên lửa của Triều Tiên, trong đó phần lớn là các loại vũ khí cũ như tên lửa Scud đời đầu, một số được mua trên thị trường chợ đen.

Cũng khoảng thời gian đó, Triều Tiên đã có được công nghệ hạt nhân từ nhà khoa học Pakistan Abdul Qadeer Khan.

Chính phủ Nga khẳng định họ không liên quan đến việc bí mật chuyển giao công nghệ tên lửa cho Triều tiên. Nhưng các chuyên gia cho rằng thiết kế của Xô Viết cũ đã trở thành hình mẫu cho loạt tên lửa đạn đạo tầm trung mà Triều Tiên chế tạo và thử nghiệm trong suốt 2 thập kỷ sau đó và Bình Nhưỡng cũng đã tự mình thêm vào một số tính năng mới.

Những tiến bộ thực sự nghiêm túc

Chương trình tên lửa của Triều Tiên lúc đầu gặp rất nhiều thất bại.  “Các tên lửa đạn đạo của Triều Tên, đặc biệt là dự án tên lửa tầm xa, từng bị đem ra giễu cợt vì số lần thử thất bại nhiều đến không tưởng”, chuyên gia về an ninh quốc tế của trường đại học Tulsa (Mỹ), Gaurav Kampani cho biết.

Sự giễu cợt ấy đã phải dừng lại khi chỉ trong vòng 4 năm qua, Triều Tiên đã phóng được vệ tinh vào quỹ đạo cũng như thử thành công tên lửa phóng từ tàu ngầm và tên lửa dùng nguyên liệu rắn.

Tên lửa Hwasong-14 được phóng đi ngày 4/7 vừa qua là tên lửa đầu tiên trong lịch sử Triều Tiên có khả năng đi xa hơn 5500 km, khoảng cách tối thiểu của một quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Tên lửa này được cho là phiên bản giai đoạn 2 của tên lửa Hwasong-12, cũng mang cùng loại động cơ nhưng ra mắt từ tháng 3/2017.

Trước cả khi Triều Tiên công khai động cơ tên lửa mới, nhiều quan chức Mỹ đã lo ngại về Hwasong-10, một loại tên lửa đạn đạo tầm trung di động được phóng thử thành công tháng 6/2016. Tên lửa này có thể vươn tới căn cứ của Mỹ ở đảo Guam.

Những phân tích độc lập đã cho thấy Hwasong-10 là phiên bản cải tiến của tên lửa Nga R-27 Ryb. Triều Tiên được cho là có được bản thiết kế của Nga từ những năm 1990 và dành nhiều năm nghiên cứu nguyên mẫu tên lửa này.

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc Michael Elleman tin rằng động cơ tên lửa mới nhất của Triều Tiên cũng được phát triển theo hướng này, nghĩa là họ đã có thiết kế từ nhiều năm trước thông qua các nhà khoa học hoặc thị trường chợ đen, để rồi gần đây mới công khai nó như là một phần của chương trình tên lửa mang động cơ mới.

Chuyên gia này đang chuẩn bị tài liệu chứng minh sự giống nhau giữa Hwasong-12, Hwasong-14 với tên lửa RD-250 của Xô Viết cũ, trong đó chỉ ra những chi tiết giống nhau như ống làm mát, ông xả và 4 động cơ phụ trợ hướng cho tên lửa. “Họ có thể đã nghiên cứu những động cơ này trong suốt 15 năm qua”, Michael Elleman nhận định.

Theo Washington Post, nền tảng kỹ thuật của những tên lửa mới có thể dựa vào kiến thức mà các nhà khoa học Nga cung cấp nhiều năm trước nhưng tiến bộ gần đây cho thấy Triều Tiên giờ đã làm chủ và phát huy kiến thức đó rất tốt.

“Họ tiếp tục tìm cách nhập khẩu các công nghệ sử dụng được cả cho mục đích thương mại và chương trình vũ khí của mình nhưng thiết kế và những đổi mới là của trong nước”, chuyên gia Laura Holgate nhận định. Bà là cố vấn hàng đầu của Mỹ về không phổ biến vũ khí hạt nhân dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Cựu thanh sát viên vũ khí của Liên Hợp Quốc David Albright nhấn mạnh, vô vàn những thất bại trong quá khứ chỉ là một phần của tiến trình Triều Tiên học hỏi và làm chủ công nghệ tên lửa.

Theo cựu Phó Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) David S. Cohen, di sản khoa học của thời Xô Viết cũ lý giải vì sao công nghệ của Triều Tiên thường đi sau công nghệ của Mỹ và các chương quốc quân sự khác cả thập kỷ. “Tên lửa họ phóng ngày nay có động cơ mới nhưng toàn dựa trên thiết kế cũ của Xô Viết”, Cohen nhận định.

“Tuy nhiên, thật là sai lầm khi nghĩ rằng đây chỉ là một quốc gia bị cô lập và không được tiếp cận Internet”, Cohen nhấn mạnh. “Họ có rất nhiều bất lợi nhưng phần lớn nhất của nền kinh tế nhà nước này là chương trình hạt nhân và tên lửa, vì thế những người tinh anh nhất đều được huy động để làm công việc này. Lo ngại của tôi là mọi người đánh giá thấp họ”.

Vẫn còn nghi vấn về ICBM của Triều Tiên

Ngày 8/7, phía Nga đã gửi một số bằng chứng cho Liên Hợp Quốc chứng minh tên lửa mà Triều Tiên phóng ngày 4/7 vừa qua chỉ là loại tầm trung chứ không phải tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) như tuyên bố của Bình Nhưỡng và theo niềm tin của phía Mỹ.

Phái bộ thường trực của Trung Quốc, nước đang giữ Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ), dẫn tài liệu do Bộ Quốc phòng Nga gửi, trong đó cho biết, một trạm radar loại Voronezh ở khu vực Irkutsk (Nga) đã theo dõi vụ phóng tên lửa Hwasong-14 từ Triều Tiên ngày 4/7. Quả tên lửa này bay khoảng 14 phút, xa 510 km và xa 535 km rồi đâm xuống Biển Nhật Bản.

Trước đó, Mỹ đã luân chuyển một dự thảo thông cáo chung của HĐBA LHQ lên án các vụ thử tên lửa của Triều Tiên, trong đó khẳng định tên lửa Bình Nhưỡng vừa phóng ngày 4/7 là loại liên lục địa. Phái bộ thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc không nhất trí với ý kiến ngày và cho rằng Mỹ nên soạn lại văn bản trên để có đánh giá đúng mức hơn.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, dù Triều Tiên có thực sự phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa hay không cũng không thể phủ nhận tiến bộ vượt bậc mà nước này đạt được trong lĩnh vực khoa học tên lửa trong những năm gần đây./.