nga_10_vov_apwd.jpg
Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga (SN 1981), Trợ lý Phòng Tham mưu - Kế hoạch thuộc Trung tâm Gìn giữ hòa bình (GGHB) Việt Nam vừa trở thành nữ quân nhân đầu tiên mang quốc tịch Việt Nam tham gia sứ mệnh GGHB của Liên Hợp Quốc bên ngoài lãnh thổ đất nước.

Nhập ngũ từ năm 2004, cô gái Hà Nội Đỗ Thị Hằng Nga chính thức chuyển ngạch sĩ quan vào năm 2012. Tại Trung tâm GGHB Việt Nam, công việc chủ yếu của nữ sĩ quan Hằng Nga liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin.

 Quá trình công tác, chỉ huy đơn vị nhận thấy ở sĩ quan trẻ Hằng Nga có nhiều tố chất của một người làm đối ngoại nên đã tạo điều kiện để chị tham gia các khóa đào tạo về ngoại ngữ và chuyên môn GGHB. 

Với khả năng học hỏi, nắm bắt nhanh cùng sự nỗ lực bền bỉ, trong vòng 1 năm, Nga đã trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần có của một "sứ giả mũ nồi xanh" theo những quy chuẩn ngặt nghèo nhất. Thiếu tá Hằng Nga đã hoàn thành tốt các bài test ngoại ngữ, lái xe hai cầu… mà các chuyên gia Liên Hợp Quốc đặt ra. Trong ảnh, Thiếu tá Hằng Nga trong chuyến công tác tại Hà Lan.(Ảnh: Tiền Phong) 
Sáng 30/10, Bộ Quốc phòng đã trao quyết định của Chủ tịch nước cho Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga. Cô cũng là cán bộ thứ 20 của Việt Nam đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

Tại buổi lễ trao quyết định, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết, đối với Liên Hợp Quốc, việc cử nữ sỹ quan tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình thể hiện chính sách bình đẳng giới và là mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc. Khẳng định vai trò của phụ nữ ở các hoạt động mang tính chất toàn cầu, trong đó có hoạt động gìn giữ hòa bình.

Theo quyết định tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, Thiếu tá Hằng Nga sẽ có nhiệm kỳ 1 năm thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ GGHB Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan, trong vai trò sĩ quan tham mưu giám sát các hoạt động quân sự.
Trong ảnh, sĩ quan mũ nồi xanh Hằng Nga trong một chuyến công tác tại Hà Lan. (Ảnh: Tiền Phong)
Theo Người Lao Động, Thiếu tá Nga sẽ phải đảm trách trung bình 12-15 đầu việc tại phái bộ Nam Sudan: Tổng hợp và cập nhật bản đồ tình hình tác chiến tại các phân khu được chỉ định; trực ban tại Trung tâm tác chiến, Sở chỉ huy Phái bộ; chuẩn bị các báo cáo đặc biệt và gửi điện tín về các sự cố xảy ra trên địa bàn; liên lạc với các cơ quan liên quan để đưa ra các thông báo về tai nạn, thương vong; theo dõi các tài liệu trong hệ thống dữ liệu tác chiến của phái bộ.... 
Trong ảnh, Thiếu tá Hằng Nga cùng đồng đội tại lễ bàn giao tòa nhà giảng đường S5 và trang thiết bị do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ cho Trung tâm GGHB Việt Nam (tháng 8/2017) (Ảnh: Tiền Phong)

Theo Đại tá Hoàng Kim Phụng, Giám đốc Trung tâm Gìn giữ Hòa bình Việt Nam, Liên Hợp Quốc mong  muốn Việt Nam cử thêm nữ sỹ quan để tăng tỷ lệ nữ trong phái bộ gìn giữ hòa bình. Việc Việt Nam cử nữ quân nhân đầu tiên cũng như chuẩn bị trong thời gian tới sẽ cử 9 nữ quân nhân nữa trong đội hình của bệnh viện dã chiến cấp 2 sẽ là dấu ấn tốt cho Quân đội nhân dân Việt Nam đối với hoạt động tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

Chị Hằng Nga đã lập gia đình và có 2 con nhỏ. Trong ảnh, khoảnh khắc đời thường của nữ sĩ quan mũ nồi xanh 8X. (Ảnh: Tiền Phong)