Thông cáo chung Nga-Trung, được đưa ra sau chuyến thăm của Ủy viên Quốc vụ viện, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tới Moscow (Nga) vào tháng 9/2020, đề cập “sự thật lịch sử” về Thế chiến 2.
Trong các năm gần đây phương Tây tiến hành một chiến dịch tưởng như vô hại nhằm hạ thấp những hy sinh anh hùng của Liên Xô trước đây trong việc đánh bại nước Đức Quốc xã. Moscow đã nhanh chóng bắt được ý đồ tiêu cực đó.
Nói một cách đơn giản, Liên Xô gánh chịu phần lớn gánh nặng chống quân phát xít Đức xâm lược nhưng sự thật lịch sử này đang bị làm biến dạng một cách có hệ thống ở một số nước như Ba Lan, các quốc gia Baltic, thường là với sự khuyến khích tinh tế từ phía Mỹ. Chiến dịch tuyên truyền đó đã làm gia tăng tâm lý bài Nga, đồng thời khuyến khích chủ nghĩa phục hồi lãnh thổ và chủ nghĩa quân phiệt.
Các cam kết trong tuyên bố chung nói trên có nội dung Nga và Trung Quốc “sẽ không cho phép bất cứ ai xét lại kết quả của Thế chiến 2, đã được gắn chặt trong Hiến chương Liên Hợp Quốc và các tài liệu quốc tế”.
Quan điểm chung của Nga và Trung Quốc đã đả động đến quá trình chuyển hóa dần dần đang diễn ra ở Đức và Nhật Bản trong các năm gần đây theo hướng chuyển từ chủ nghĩa hòa bình sang tư tưởng cứng rắn quân sự.
Nga quan ngại sâu sắc về nguy cơ chủ nghĩa quân phiệt Đức
Với tâm trạng bất an gia tăng, Nga đã và đang quan sát việc Đức đang chuyển đổi theo kiểu giống với trường hợp của Otto von Bismarck trong bối cảnh châu Âu trước Thế chiến 1 và rồi sau đó là sự chuyển hóa từ Cộng hòa Weimar sang chế độ Đức Quốc xã, kéo theo 2 cuộc thế chiến với những hậu quả tàn khốc cho loài người.
Liên quan đến sự thay đổi trong quan điểm của người Đức, trong một cuộc phỏng vấn với tuần san Die Zeit hồi tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer (người đang giữ chức quyền chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giao cầm quyền) nhấn mạnh rằng đã đến lúc phải thảo luận “cách nước Đức định vị mình trong thế giới tương lai”.
Bà này nói rằng Đức “dự kiến sẽ thể hiện vai trò lãnh đạo không chỉ chỉ với tư cách cường quốc kinh tế” mà còn quan tâm đến “phòng thủ tập thể, sứ mệnh quốc tế, tầm nhìn chiến lược về thế giới, và cuối cùng là vấn đề liệu chúng ta có muốn tích cực hình thành trật tự toàn cầu hay không”. Nói một cách đơn giản, tiếng nói của nước Đức đã theo hướng cứng rắn hơn, không còn chủ nghĩa hòa bình như trước đây nữa.
Nữ Bộ trưởng Kramp-Karrenbauer nói: “Tuyên bố của ban lãnh đạo Nga hiện nay” cổ xúy “rất hung hăng”cho lợi ích của họ cần phải “bị đối mặt bằng một lập trường rõ ràng: Chúng ta được củng cố vững chắc và sẵn sàng tự vệ. Chúng ta thấy những gì Nga đang làm và chúng ta sẽ không để cho ban lãnh đạo Nga tự tung tự tác... Nếu các quý vị nhìn xem ai đang nằm trong tầm bắn của tên lửa Nga ở châu Âu thì đó chỉ là các nước Trung Âu, Đông Âu, và chúng ta”.
Bà Bộ trưởng Đức hứa hẹn “tiến hành phần phân tích chung về nguy cơ đó” với các đồng minh châu Âu nhằm phát triển “các hệ thống phòng thủ” theo hướng gia tăng “các phi cơ không người lái, các UAV do trí tuệ nhân tạo kiểm soát, hay các vũ khí siêu thanh”.
Cực hữu, quân đội, an ninh, tập đoàn tư bản vũ khí, chi tiêu quân sự...
Như vậy 75 năm sau khi Thế chiến 2 kết thúc, tư tưởng Đại Đức dường như đang nhen nhóm và một lần nữa lại nhắm vào Nga. Việc quân sự hóa toàn diện xã hội được cho là đang trở lại trong chính sách của Đức. Giới tinh hoa Đức, tương tự như trong quá khứ, có thể sẽ thúc đẩy lợi ích của tư bản Đức ở trong và ngoài nước.
Có 3 đặc điểm đáng lưu ý ở đây. Như ở nước Đức thời Weimar, mạng lưới cực hữu trong quân đội và cơ quan an ninh Đức đã một lần nữa bắt đầu tăng cường hoạt động mà không vấp phải cản trở nào từ giới chức cầm quyền.
Như Bộ trưởng Quốc phòng Kramp-Karrenbauer đã trình bày, bà này vui lòng vì “chúng ta đã có thể làm cho quân đội trở nên nổi bật hơn trong xã hội, với các binh sĩ cam kết công khai trước Quốc hội Liên bang Đức vào sinh nhật của quân đội...”.
Và bà Kramp-Karrenbauer tiếp tục tung ra những ngôn từ mạnh mẽ theo kiểu quân sự: “Chúng là một đội quân. Chúng ta được vũ trang. Dù nghi ngờ, các binh sĩ vẫn phải chiến đấu tiêu diệt kẻ thù”.
Căng thẳng Đức-Mỹ và việc Mỹ gần đây tuyên bố rút quân khỏi Đức trên thực tế đóng vai trò là cái cớ để thúc đẩy các kế hoạch tái vũ trang của Berlin.
Đức gần đây gia tăng ồ ạt chi tiêu quân sự và đang lên kế hoạch thực hiện các dự án vũ trang hóa trị giá nhiều tỷ USD, mặc dù ngân sách cho việc này hiện vẫn ở mức chỉ 1,38% tổng sản phẩm quốc dân (GDP) của Đức. Việc này giúp Đức trở nên độc lập về quân sự với Mỹ.
Tờ báo Thụy Sĩ Neue Zürcher Zeitung nhận xét: Việc Mỹ rút quân khỏi Đức đã mở ra cơ hội cho những người theo đường lối chính trị thực dụng phản đối tư tưởng hòa bình chủ nghĩa.
Công chúng Đức thì vẫn phản đối chiến tranh và chủ nghĩa quân phiệt. Những điều kinh hoàng của các cuộc thế chiến và các tội ác do phát xít Đức gây ra cho nhân loại vẫn sống động trong ký ức tập thể. Còn điều đang xảy ra là sự trở lại của tư tưởng quân phiệt Đức theo hướng từ trên xuống, với sự hậu thuẫn của các tập đoàn công nghiệp khổng lồ với lịch sử sản xuất vũ khí, thu lợi từ chiến tranh đẫm máu.
Trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản thế giới đang chìm sâu trong khủng hoảng và quan hệ quốc tế gia tăng mức độ căng thẳng, giới tinh hoa cầm quyền ở Đức có thể đang chuyển động theo hướng cứng rắn quân sự để bảo vệ sự giàu có và quyền lực của mình./.