Phương Tây lo ngại bị “đánh vỗ mặt”

Lo lắng của giới chức Mỹ và NATO không phải không có cơ sở. Ngay khi Nga công khai tuyên bố tổ chức cuộc tập trận quy mô lớn Zapad từ ngày 14-20/9, cả Mỹ và NATO đều cáo buộc rằng, cuộc tập trận này là nhằm thử nghiệm khả năng gây chiến chống lại phương Tây của Nga.

zapad_beeb.jpg
Xe tăng Nga tham gia cuộc tập trận Zapad. Ảnh: AP

Theo các quan chức Mỹ và NATO, cuộc tập trận đang diễn ra cùng lúc tại Belarus, biển Baltic, quân khu Miền Tây và Kaliningrad của Nga có quy mô lớn hơn rất nhiều so với con số mà Nga công bố. Giới chức phương Tây cho rằng, trên thực tế, phải có đến 100.000 binh sĩ tham gia vào cuộc tập trận Zapad.

Cũng theo các quan chức NATO, cuộc tập trận có mật danh “Zapad” (tiếng Nga là phương Tây) của Nga mô phỏng việc hai bên xảy ra xung đột và quân đội Nga đủ sức triển khai một số lượng lớn binh sĩ trong một thời gian rất ngắn.

Trong khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg vẫn nói cứng rằng: “NATO vẫn bình thản và cảnh giác” thì Bộ trưởng Quốc phòng Litva Raimundas Karoblis lại bày tỏ lo ngại rằng, cuộc tập trận này có thể tác động đến quốc gia nhỏ bé này.

“Chúng tôi không thể tỏ ra bình thản nổi trong bối cảnh quân đội của một quốc gia khác đang rầm rộ tập trận “ngay bên hông nhà” chúng tôi”, ông Karoblis nói.

Một số quan chức phương Tây khác, trong có có Tư lệnh Quân đội Mỹ tại châu Âu, Tướng Ben Hodges, lại đề cập đến khả năng Nga sẽ tận dụng cuộc tập trận Zapad như một “con ngựa thành Trojan” để sáp nhập các khu vực nói tiếng Ba Lan và Nga tại vùng Baltics vào lãnh thổ Nga. Tuy nhiên phía Nga đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc này.

Thậm chí, Nga còn tuyên bố, tổng số binh sĩ Nga và Belarus tham gia cuộc tập trận Zapad chỉ là 13.000 quân, thấp hơn rất nhiều so với ngưỡng chung của thế giới về một cuộc tập trận quy mô lớn đòi hỏi số lượng lớn quan sát viên quốc tế đến giám sát.

Nga cũng khẳng định, chính phương Tây mới đang đe dọa đến sự ổn định tại Đông Âu với việc NATO triển khai tới 4.000 binh sĩ đa quốc gia đến khu vực Baltic và Ba Lan.

Câu trả lời yếu ớt từ NATO

Các quan chức NATO cho biết, họ đã theo dõi sát sao các bước chuẩn bị của Nga cho cuộc tập trận Zapad trong vài tháng qua. Trong đó đáng chú ý là việc Nga sử dụng hàng trăm toa tàu hỏa để vận chuyển xe tăng và nhiều loại vũ khí hạng nặng sang Belarus.

Để “phòng ngừa nguy cơ bị Nga bất ngờ đánh úp” như phía Mỹ cáo buộc, quân đội Mỹ đã triển khai 600 lính dù tới khu vực Baltic trong suốt thời gian cuộc tập trận Zapad diễn ra.

Ngoài ra, Mỹ cũng đứng ra đảm nhận việc bảo đảm an toàn không phận Litva, Latvia và Estonia- những quốc gia không sở hữu lực lượng không quân và hệ thống phòng không đủ mạnh để đối chọi với Nga.

Trong khi đó, các đồng minh NATO cũng đã điều 4 tiểu đoàn quân tinh nhuệ đến các nước Baltic và Ba Lan. Cả 4 tiểu đoàn này đều được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao độ.

Tuy nhiên, các biện pháp phòng bị của Mỹ và các đồng minh NATO không đủ khỏa lấp một thực tế rằng, cả Mỹ và NATO cho đến nay vẫn chưa đủ khả năng triển khai một lực lượng binh sĩ trong thời gian ngắn dù sức mạnh quân sự của Mỹ là điều “không cần phải bàn cãi”.

Ngoài ra, cả Mỹ và NATO cũng đều lựa chọn cách tiếp cận hết sức chậm rãi nhằm tránh tạo ra ấn tượng rằng họ đang lao vào một cuộc chạy đua vũ trang mới với Nga. Một quan chức cao cấp của NATO khẳng định: “Điều cuối cùng mà chúng tôi muốn xảy ra là đẩy căng thẳng quân sự với Nga leo thang”.

Tuyên bố trên được thể hiện rõ trên thực địa khi NATO hầu như không tiến hành một cuộc tập trận nào đáng chú ý trong thời điểm cuộc tập trận Zapad đang diễn ra ngoài một cuộc tập trận dành riêng cho lính bắn tỉa tại Litva.

Phó Tư lệnh Tối cao NATO tại châu Âu James Everard khẳng định, NATO không cần tiến hành các cuộc tập trận với quy mô tương tự như Zapad. “Chúng tôi chẳng việc gì phải cạnh tranh với họ”, ông Everand nói.

Dù vậy, giới chức NATO cũng chuẩn bị sẵn cho kịch bản Nga đánh chiếm Baltic hoặc Ba Lan. Theo NATO, nếu kịch bản này trở thành sự thực, các lực lượng của NATO sẽ phải đảm bảo được việc triển khai nhanh chóng với số lượng cực lớn để đối phó.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, NATO vẫn còn đang loay hoay với việc làm thế nào có đủ 40.000 quân triển khai sẵn ở Baltic và Ba Lan như đã thống nhất từ năm 2015 để có thể đối phó với mọi tình huống nguy cấp trong thời gian ngắn nhất./.