Gruzia và Mỹ cùng nhiều nước đối tác hôm 30/7 bắt đầu các cuộc tập trận chung quy mô lớn mang tên Đối tác cao quý 2017 (Noble Partner 2017) - động thái được cho là thể hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với quốc gia nhỏ bé vùng Kavkaz này trong việc “đối đầu” với Nga.

cac_tap_tran_hai_quan_nga_trung_lrkq.jpg
Các chiến hạm tham gia tập trận hải quân Nga-Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã.

Cuộc tập trận diễn ra giữa lúc Moscow gần đây cũng liên tục thị uy sức mạnh, trong đó phải kể đến việc “bắt tay” cùng Trung Quốc lần đầu tập trận hải quân rầm rộ trên biển Baltic.

Cuộc tập trận Đối tác cao quý 2017 với sự tham dự của 2800 binh sĩ, diễn ra trong bối cảnh Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đang có chuyến công du 3 nước Đông Âu, trong đó có Gruzia, nơi dự kiến nhà lãnh đạo Mỹ này sẽ tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với việc Gruzia gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Bộ trưởng Quốc phòng Gruzia Levan Izoria gọi quy mô cuộc tập trận này là “chưa từng có tiền lệ,” khẳng định sự kiện này sẽ cho thấy rõ sự ủng hộ Gruzia của các nước thành viên NATO. Mỹ cũng điều các xe tăng chiến đấu M1A2 Abrams và xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley tới tham gia tập trận, dự kiến kéo dài tới ngày 12/8 tới.

Đề cập mục đích của cuộc tập trận, Đại sứ Mỹ tại Gruzia Ian Kelly khẳng định: "Tôi nghĩ rằng cuộc tập trận này không nhằm vào bất kỳ nước nào cả. Cuộc tập trận chỉ nhằm giúp Gruzia tăng cường khả năng thích ứng trong các hoạt động quốc tế, chẳng hạn như hoạt động ở Afghanistan. Nó cũng nhằm giúp Gruzia hòa nhập vào cộng đồng các quốc gia này.”

Cuộc tập trận quy mô lớn này diễn ra chỉ vài ngày sau khi nhiều nước thành viên NATO buộc phải cử tàu chiến theo dõi sát các động thái đi lại và diễn tập của các lực lượng tham gia cuộc tập trận chung trên biển Baltic giữa Hải quân Trung Quốc và Nga vừa kết thúc vào ngày 28/7 vừa qua.

Cả Trung Quốc và Nga đều nhấn mạnh cuộc tập trận chung “Liên hợp trên biển 2017” không nhằm vào ai, không liên quan đến tình hình khu vực. Chính Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng quả quyết rằng Nga và Trung Quốc triển khai hợp tác chiến lược rộng rãi trên các phương diện kinh tế, chính trị và quân sự, những hợp tác này không nhằm vào bên thứ ba, sẽ chỉ tạo cân bằng cho thế giới, và rằng hai bên không xây dựng liên minh quân sự mới.

Dẫu vậy, NATO và một số nước phương Tây vẫn không khỏi bất an trước cuộc tập trận này, thậm chí coi hợp tác quân sự Nga-Trung Quốc là một “mối đe dọa”.

Theo các nhà phân tích, dù chưa thành lập liên minh quân sự, nhưng cuộc tập trận Nga-Trung Quốc đã vừa gửi đi thông điệp chính trị mạnh mẽ tới phương Tây, khẳng định Moscow vẫn còn “bạn bè” dù bị phương Tây cô lập.

Quân đội Nga tiếp tục phô trương sức mạnh quân sự bằng các cuộc diễu binh rầm rộ trên nhiều vùng biển. Hôm qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã thị sát một cuộc diễu binh quy mô lớn của lực lượng hải quân Nga đánh dấu Ngày Hải quân thường niên của nước này. Khoảng 50 tàu chiến và tàu ngầm đã tham gia cuộc diễu binh dọc sông Neva và Vịnh Phần Lan ngoài khơi Saint Petersburg, thành phố lớn thứ hai của Nga. Những cuộc diễu binh nhỏ hơn cũng diễn ra từ vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga bên bờ Biển Baltic cho tới Bán đảo Crimea ở Biển Đen và Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông.

Mặc dù không bên nào trực tiếp thừa nhận các cuộc tập trận là để phô diễn sức mạnh răn đe và dè chừng lẫn nhau, nhưng giới quan sát lo ngại rằng các cuộc tập trận có vẻ như đang bị biến thành các “công cụ chính trị” của các bên hơn là mục đích thuần túy là tổ chức diễn tập để nâng cao năng lực, kinh nghiệm chiến đấu. Nhất là những năm gần đây, khi thế giới liên tục chứng kiến những cao trào căng thẳng trong mối quan hệ giữa Nga và phương Tây, các hoạt động tập trận ngày càng dồn dập lại càng cho thấy rõ hơn động thái thị uy sức mạnh giữa các bên và rõ ràng điều này góp phần tạo thêm vết đứt gãy mới trong quan hệ Đông-Tây./.