Nga có dân số nhỏ hơn Nigeria và GDP thấp hơn Italy nhưng sự hiện diện quân sự trên quy mô lớn của Nga ở khu vực Đông Âu khiến các nước Baltic nói riêng và NATO nói chung ăn ngủ không yên.

doi_pho_nga_2_ufyz.jpg
Xe tăng Nga lăn bánh trên Quảng trường Đỏ vào ngày lễ Chiến thắng Phát xít hôm 9/5/2016. Ảnh: Reuters.

Các hoạt động quân sự của Nga hiện nay ở Syria và Crimea cũng như ở khu vực Moldova và Gruzia đã cho thấy sự quyết đoán của Nga trong việc sử dụng sức mạnh thông thường cũng như các biện pháp mềm mỏng để ứng phó với các nước láng giềng.

Nga ngày càng phô diễn sức mạnh quân sự, không ngại thách thức máy bay và tàu chiến của Mỹ lẫn NATO.

Một số tướng Mỹ kết luận rằng quân đội Nga có thể dễ dàng vượt mặt hệ thống phòng thủ NATO và đánh chiếm thủ đô các nước Baltic như là Riga và Tallinn chỉ trong 36 tiếng đồng hồ.

Thế nhưng một báo cáo mới từ Hội đồng Đại Tây Dương lập luận rằng với cách thức tổ chức và chuẩn bị thích hợp, NATO có thể điều chỉnh lại thế trận của mình để răn đe, thậm chí đánh bại Nga ở Baltic.

Dưới đây là một số cách thức mà NATO có thể sử dụng để đối phó với một kịch bản giả định Nga tiến công bất ngờ:

“Mối đe dọa Nga”

Biên giới Nga chỉ cách thủ đô các nước Baltic vài trăm dặm. Nga coi các nước này là một vùng đệm quan trọng giữa Nga và các cường quốc lớn của châu Âu.

Trong các cuộc tập trận, Nga thường chủ động lấy NATO làm đối phương. Nga đã xây dựng các năng lực đủ mạnh để di chuyển lực lượng lớn đối phó với các nước láng giềng NATO.

Nga đã tỏ rõ hiệu quả trong việc tạo thế răn đe và hình thức tác chiến tổng hợp, như ở vùng đông Ukraine và Crimea.

Phòng thủ trực tiếp

Các đánh giá của công ty RAND về lợi thế của Nga đối với quân NATO ở vùng Baltic là dựa trên điều giả định là các lực lượng đông hơn, lớn hơn sẽ đánh bại các lực lượng vũ trang nhỏ hơn, nhẹ hơn.

Quân nhân Nga diễu hành trên Hồng trường hôm 9/5.

Để củng cố thế phòng thủ ở Baltics, các quốc gia này trước tiên phải bám lấy nội dung của Hội nghị Thượng đỉnh Wales năm 2014 khi họ được trao nhiệm vụ tăng chi phí quốc phòng lên mức 2% GDP của họ. Tuy nhiên, chỉ 2% thì không tạo nên khác biệt.

Về phần mình, các quốc gia Baltic phải chuyển sang xây dựng các lữ đoàn thiết giáp, cơ giới và hỗn hợp, và tập trung củng cố năng lực chống tăng và thiết giáp, vì Nga đã phát triển các loại xe tăng mới rất ấn tượng. Phần tăng cường còn lại sẽ do các đồng minh NATO lo liệu.

Tăng cường hiện diện tuyến trước

Mỹ có 4 lữ đoàn lục quân sẵn sàng phản ứng nhanh ở châu Âu, nhưng vẫn cần xây dựng thêm kế hoạch để sử dụng hiệu quả các lữ đoàn này trong xung đột hoặc để răn đe đối phương ở vùng Baltic.

5 bước sau có thể củng cố đáng kể sức mạnh của NATO trong việc phòng thủ Baltic:

1- Các quốc gia châu Âu sẽ xây dựng năng lực tiếp viện nhanh. Anh, Đức và Ba Lan có thể cung cấp các lữ đoàn mạnh có khả năng phản ứng trong vòng 10 ngày. Các nước nhỏ như Na Uy, Đan Mạch, và Hà Lan có thể kết hợp các lực lượng để xây dựng các lữ đoàn tương tự.

2- Lập lịch diễn tập với nội dung duy trì đáng kể các lực lượng quân sự bên trong hoặc gần khu vực Baltic.

3- Củng cố năng lực không quân ở Baltic. Kết hợp các căn cứ bên trong và bên ngoài tầm bắn của tên lửa hành trình Nga để thực hành phòng không và yểm trợ từ trên không. Thụy Điển và Phần Lan cần được tính đến trong việc mở các căn cứ như thế.

4- Mỹ không được giảm lực lượng của mình ở châu Âu. Thêm nữa, họ cần bố trí thêm thiết bị trên các tàu vận tải lớn để phục vụ mục tiêu đổ bộ đường biển một cách nhanh chóng.

5- NATO bảo đảm duy trì mức độ cơ động cần thiết.

Bảo đảm năng lực chống tiếp cận

Nga đã phát triển các phương tiện mạnh mẽ, hiệu quả và tầm xa nhằm ngăn NATO tiếp cận các khu vực trọng yếu, khiến các lực lượng tiếp viện (của NATO) khó tới mặt trận.

Lực lượng quốc phòng Đức năm 2013. Ảnh: Getty.

Tuy nhiên, “trên thực tế NATO sở hữu các năng lực cần thiết để đối phó với mối đe dọa chống tiếp cận”, một khi chiến tranh thực sự nổ ra.

Bốn bước giúp NATO phá khả năng chống tiếp cận của Nga:

1- NATO có thể cung cấp hỗ trợ đường không ở mức độ cần thiết, thông qua việc đặt căn cứ và việc bố trí lực lượng tăng viện.

2- Các quốc gia NATO có thể cùng tạo ra một mạng lưới hàng hải mạnh, trong đó lực lượng hải quân của các nước NATO có thể tăng khả năng liên lạc nội bộ. Có thể yêu cầu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập vào mạng lưới này.

3- NATO cần lập các căn cứ với các tuyến đường tiếp viện tới Baltic. Các tuyến đó cũng cần được bảo vệ.

4- NATO cần tăng cường khả năng liên lạc nội bộ giữa các nước thành viên, củng cố mạng lưới điện để đảm bảo hoạt động của các mạng quân sự và viễn thông.

Ứng phó với chiến tranh tổng hợp

Nga đã chứng tỏ mình hiệu quả trong việc mở các cuộc chiến tranh tổng hợp ở cấp độ thấp và gây bất ổn cho đối phương. Nga có thể tận dụng lực lượng kiều dân Nga và công cụ tuyên truyền như là đài RT.

Do yếu tố bí mật trong chiến tranh tổng hợp (gồm chiến tranh chính quy, phi chính quy và an ninh mạng), rất khó xác định một cách chính xác khi nào xung đột bắt đầu.

Để đối phó với các phương thức hiểm hóc này, NATO phải tạo ra các đội hỗ trợ nhỏ. Nhiệm vụ của các đội này là đánh giá tình hình, chia sẻ thông tin tình báo, kiểm soát biên giới, hỗ trợ cảnh sát và quân đội trong việc quản lý sự cố, bảo vệ các cơ sở hạ tầng trọng yếu.

Kết luận

Theo Hội đồng Đại Tây Dương, NATO có năng lực răn đe, thậm chí đánh bại một cuộc tấn công của Nga dù đó là một cuộc tiến công bất ngờ. Nhưng để đạt được mục tiêu đó, NATO phải điều chỉnh.

Chia sẻ tình báo và liên lạc liên thông cần phải tăng cường mạnh mẽ hơn nữa. Cũng cần gia tăng nhân sự.

Ngoài ra cần đẩy mạnh hợp tác giữa các thể chế công và các doanh nghiệp truyền thông tư để đối phó với Nga trên mặt trận tuyên truyền.

Hội đồng Đại Tây Dương còn đề xuất: NATO cần có quyền chủ động hành động ngay cả khi chưa nhận được sự phê chuẩn của tất cả 28 nước thành viên.

Với các điều chỉnh trên, Hội đồng Đại Tây Dương hy vọng NATO sẽ trở thành một lực lượng tập trung và đáng sợ, đủ sức răn đe Nga và “bảo vệ” các nước Baltic trước Nga./.