TheoMilitary.com, nhận định trên đưa ra trong một báo cáo do Trung tâm nghiên cứu Rand Corp (Mỹ) đưa ra. Ngoài ra, báo cáo này cũng khuyến cáo Mỹ cũng cần tìm cách bảo vệ các căn cứ không quân và máy bay của mình trước khả năng bị Trung Quốc tấn công.
Tàu ngầm Seawolf của Mỹ. Ảnh AP |
Mỹ có còn chiếm ưu thế?
Trong báo cáo dài 430 trang của mình, Rand Corp đã phân tích tương quan về năng lực quân sự của Mỹ và Trung Quốc trong một số hoàn cảnh nhất định dựa trên những tài liệu sẵn có. Các phân tích này tập trung vào đánh giá năng lực trên không, trên biển, vũ khí hạt nhân và an ninh mạng của hai nước.
Những phân tích này được tiến hành 7 năm một lần bắt đầu từ năm 1996 và kéo dài đến năm 2017 dựa trên một kịch bản về xung đột giữa hai bên trên Biển Đông mà chủ yếu là ở quần đảo Trường Sa nơi Trung Quốc đã tiến hành hoạt động cải tạo trái phép một số bãi đá tại đây.
“Trong vòng khoảng 5-15 năm tới, nếu Mỹ và Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng về quân sự như dự đoán thì châu Á sẽ chứng kiến sự sụt giảm đáng kể về vai trò đầu tàu của Mỹ trong khu vực”, báo cáo nêu rõ.
Cũng theo báo cáo này, dù chưa thể đuổi kịp Mỹ về sức mạnh quân sự, Trung Quốc vẫn không phải quá lo lắng về những gì đang diễn ra ngay trước cửa ngõ nước này.
“Không ai muốn chiến tranh xảy ra”, ông Eric Heginbotham, chuyên gia hàng đầu về khoa học chính trị tại trung tâm Rand Corp, chia sẻ: “Tuy nhiên, sự cân bằng về sức mạnh giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ quyết định mọi toan tính của từng bên và đây cũng là nhân tố quan trọng tác động đến khả năng xảy ra chiến tranh”.
Chính vì vậy, ưu thế về quân sự của Mỹ có thể cũng không đủ sức răn đe Trung Quốc nếu hai nước có bất ổn và phải tính đến khả năng tấn công phủ đầu, ông Heginbotham nói.
Mối nguy nhãn tiền từ Trung Quốc
Kể từ năm 1996, năng lực của Trung Quốc trong việc tấn công hạm đội Hải quân của Mỹ “từ sâu trong lục địa” đã gia tăng nhanh chóng, vẫn theo báo cáo trên.
Điều này có được là nhờ Trung Quốc đầu tư mạnh vào hệ thống trinh sát tầm xa để theo dõi các tàu Hải quân nước ngoài. Ngoài ra, trong biên chế Hải quân Trung Quốc còn có rất nhiều tàu mang tên lửa đối hạm hiện đại và nước này cũng đã mua nhiều máy bay và tàu chiến có khả năng tấn công từ xa cùng các loại tàu ngầm cỡ lớn mang tên lửa hành trình.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc cải tạo một bãi đá ở Biển Đông. Ảnh CSIS |
“Mối đe dọa của Trung Quốc đối với các tàu sân bay của Mỹ sẽ là lớn nhất trong giai đoạn đầu khi hai bên đối đầu nhau”, báo cáo nêu rõ.
Tất nhiên, Mỹ sẽ tìm mọi cách để giảm thiểu sức mạnh từ các cuộc tấn công của Trung Quốc bằng việc điều động hệ thống phòng thủ tên lửa và các máy bay trinh sát từ các tàu sân bay. Tuy nhiên, những biện pháp như vậy cũng bộc lộ nhiều hạn chế của Hải quân Mỹ.
“Việc phải để các tàu sân bay cách xa nơi giao chiến sẽ làm tăng thời gian tiếp cận mục tiêu của máy bay chiến đấu khiến cho số máy bay còn lại trên tàu sân bay giảm đi trong khi nhu cầu tiếp vận từ Không quân sẽ tăng lên đáng kể”, vẫn theo báo cáo trên.
Báo cáo nêu rõ: “Những mối đe dọa đối với tàu chiến của Mỹ cũng như việc các căn cứ không quân của Mỹ dễ bị tổn thương trước tên lửa của Trung Quốc sẽ là thách thức lớn nhất đối với Mỹ nếu phải đương đầu với Trung Quốc”.
Ngoài ra, việc Trung Quốc hiện đại hóa năng lực của không quân và tàu ngầm nước này càng làm cho mối đe dọa đối với Mỹ trở nên rõ ràng hơn. Con số tàu ngầm chạy bằng diesel hiện đại của Trung Quốc đã tăng từ 2 chiếc năm 1996 lên 37 chiếc năm 2014 và chỉ có 4 tàu ngầm là không được trang bị tên lửa hành trình và ngư lôi.
Mỹ phải tìm mọi cách bảo vệ các căn cứ của mình
Kịch bản đối đầu do Trung tâm Rand Corp đưa ra cũng cho thấy “hiệu quả của hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc (được tính bằng số lượt tấn công mà hạm đội này có thể thực hiện nhằm vào tàu sân bay của đối thủ) đã tăng lên đáng kể kể từ năm 1996-2010 và sẽ tiếp tục được cải thiện cho đến năm 2017”.
“Các tàu ngầm của Trung Quốc sẽ tạo ra những mối nguy lớn cho các tàu của Mỹ nếu xảy ra tranh chấp trên Biển Đông”, báo cáo nêu rõ.
Hạm đội tàu Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh AP |
Trong khi đó, ông Heginbotham cho biết, sự gia tăng số lượng và chất lượng tên lửa đạn đạo mà Trung Quốc đang sở hữu cũng đặt mọi căn cứ không quân trong khu vực của Mỹ vào vòng nguy hiểm. Ngoài ra, các máy bay chiến đấu hiện đại của Trung Quốc có thể được điều động nhanh chóng đến các khu vực xảy ra xung đột.
Trước những mối đe dọa nói trên, ông Heginbotham gợi ý Mỹ cần phải tìm những căn cứ không quân nằm xa so với Trung Quốc hơn trước đây nhằm tránh nguy cơ bị Trung Quốc tấn công. Ngoài ra, Mỹ cũng cần tăng cường khả năng phản công của mình./.