Công an quận Tân Bình - TPHCM cho biết, do chưa có hướng dẫn cụ thể nên sẽ thành lập hội đồng tư vấn, tham vấn về việc trao số tiền 5 triệu yen cho chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (36 tuổi, tạm trú phường 10, quận Tân Bình). Dự kiến trong vòng 10 ngày, công an quận Tân Bình sẽ trả số tiền trên cho chị Hồng. Tuy nhiên, số tiền 5 triệu yên sẽ được bàn giao cho chị Hồng bằng cách nào?
Việc trả lại số tiền 5 triệu yên mà chị Hồng phát hiện hơn 1 năm trước đang gặp phải nhiều khó khăn, lúng túng từ cơ quan chức năng |
“Hiện nay, công an quận Tân Bình đang giải quyết đúng và đã cho biết sẽ giao 100% số tài sản này cho chị Hồng. Có lẽ công an quận Tân Bình hoặc là quá cẩn thận hoặc là hơi lúng túng trong giải quyết vì tài sản trong vụ này là yên Nhật. Họ đang phân vân là giao 5 triệu yên cho chị Hồng hay sẽ quy đổi ra tiền Việt Nam đồng rồi giao. Chỗ này, luật không quy định, công an Tân Bình lập hội đồng tư vấn cho chắc vì sau này có gì thì họ sẽ nói đó là ý kiến của tập thể, của hội đồng tư vấn. Tuy nhiên, cách làm này vô tình làm cho vụ việc kéo dài hơn. Nhưng lần này chị Hồng chắc chắn sẽ nhận được số tiền mà mình phát hiện trước đó” – Luật sư Trường khẳng định.
Luật sư Hồ Nguyên Lễ, Trưởng Văn phòng Luật Tín Nghĩa, Đoàn luật sư TP.HCM cũng cho rằng, cần giải quyết theo hướng lợi cho chị Hồng nói riêng và cho người dân nói chung. Bởi như thế sẽ khuyến khích được những trường hợp khác khi nhặt của rơi sẽ khai báo với chính quyền để được giải quyết đúng pháp luật, đồng thời nâng cao nhận thức ứng xử “nghèo cho sạch, rách cho thơm” trong xã hội. Cụ thể là nên áp dụng là vật không xác định được chủ sở hữu (Điều 239), sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai, mà vẫn không xác định được ai là chủ sở hữu thì năm triệu yên đó thuộc sở hữu của vợ chồng chị Hồng là người phát hiện.
Luật sư Lễ nhận định, Bộ luật dân sự năm 2005 qui định người phát hiện vật không xác định được ai là chủ sở hữu phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại, thông báo cho người phát hiện về kết quả xác định chủ sở hữu. Còn phần trách nhiệm trả lại tài sản cho chủ sở hữu hay xác lập quyền sở hữu cho người phát hiện thì lại không nói rõ thuộc cơ quan nào, UBND hoặc công an cơ sở hay tòa án hướng dẫn, giải quyết “nhặt được của rơi”. Hiện nay 5 triệu yên do công an đang tạm giữ để xác minh tìm chủ sở hữu thì theo tôi cũng nên do cơ quan này tiếp tục đại diện giao số tiền trên cho chị Hồng nếu vẫn không xác định được ai là chủ sở hữu.
Cũng theo luật sư Lễ, việc thành lập hội đồng tư vấn là không cần thiết vì luật không có qui định, nếu cần gì thì có thể trao đổi ý kiến với các cơ quan nào mà Công an quận Tân Bình cho rằng cần thiết. Theo luật định trong thời hạn một năm kể từ ngày khai báo của chị Hồng là đủ để công an thực hiện việc trao đổi đó chứ không phải đợi đến hết thời hạn một năm rồi mới thành lập hội đồng tư vấn hoặc trao đổi với ai đó để giải quyết.
“Còn việc hoán đổi từ tiền yên Nhật sang tiền Việt Nam là điều phi lý, bởi tài sản giao trả cần phải đảm bảo đúng và đủ nguyên trạng khi tiếp nhận ngoại trừ vật bị tiêu hao tự nhiên. Đối với chị Hồng sau khi nhận tiền yên Nhật về phải có trách nhiệm chuyển đổi thành tiền đồng Việt Nam khi sử dụng vì Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 và sửa đổi bổ sung năm 2013 qui định “Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối…” – Luật sư Lễ khẳng định.
Luật sư Hà Hải (người hỗ trợ pháp lý cho chị Hồng) nhìn nhận: “Vụ việc đã quá rõ ràng, việc công an quận Tân Bình thành lập hội đồng tư vấn là không cần thiết và gây thêm phiền phức cho dân, cụ thể trong trường hợp này là bà Hồng. Theo khoản 2 điều 239 , bà Hồng đã giao nộp tài sản cho cơ quan công an, sau đó cơ quan công an đã có trách nhiệm thông tin tìm chủ sở hữu rộng rãi trong thời gian một năm. Hết thời hạn nói trên, không ai đến nhận tài sản thì cơ quan công an chính là nơi có trách nhiệm trao lại tài sản cho bà Hồng”./.