Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Mặc dù bị tác động không nhỏ bởi đại dịch Covid-19, song cộng đồng doanh nghiệp của cả Việt Nam và 27 quốc gia thành viên EU đã khai thác có hiệu quả các ưu đãi từ Hiệp định này sau 2 năm thực thi... Cùng với cơ hội mở rộng, đa dạng hoá thị trường, Hiệp định EVFTA cũng tạo áp lực trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh và chuyển đổi cơ cấu hàng hoá hướng tới xuất khẩu các mặt hàng cho giá trị gia tăng cao…
“Những kết quả đạt được sau 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA” - dưới góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước, VOV phỏng vấn ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương.
PV: Thưa ông, theo đánh giá của các chuyên gia EVFTA là một Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tận dụng tốt hơn nhiều so với các hiệp định khác khi có hiệu lực. Ông nhìn nhận như thế nào về việc thực thi Hiệp định sau 2 năm EVFTA có hiệu lực?
Ông Lương Hoàng Thái: Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) là một trong số ít những hiệp định có tiêu chuẩn rất cao chúng ta đã tham gia trong thời gian vừa qua. Có 2 hiệp định có tiêu chuẩn cao nhất đó là Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - EU và Hiệp định CPTPP, với tỷ lệ tự do hóa thuế quan về cơ bản trên 90% trong vòng 7 năm thực hiện.
Với giai đoạn thực hiện ban đầu thì mặc dù cái bối cảnh quốc tế không hoàn toàn thuận lợi, chúng ta biết là việc đại dịch nổ ra và đứt gãy chuỗi cung ứng đã tạo khó khăn rất nhiều cho nền kinh tế toàn cầu cũng như cho các doanh nghiệp của chúng ta. Thế nhưng, qua giai đoạn đầu thực thi cũng đã có những dấu hiệu hết sức là đáng khích lệ trong việc thực hiện và điều này thể hiện ở những con số gia tăng về xuất khẩu.
Trong năm đầu tiên thực hiện Hiệp định, tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu của chúng ta sang EU đạt được khoảng trên 14%, đây là tỷ lệ khá trong bối cảnh nhiều khó khăn. Đặc biệt đây cũng là một trong những hiệp định có tỷ lệ tận dụng ưu đãi cao nhất so với những hiệp định khác trong năm đầu tiên thực thi.
Và mặc dù chúng ta chưa có số liệu hoàn toàn của năm thứ hai, nhưng cũng có thể thấy một trong những chỉ số thể hiện tích cực, đó là tỷ lệ tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp Việt Nam thông qua số giấy chứng nhận xuất xứ mà doanh nghiệp được cấp để tận hưởng ưu đãi khi hàng hóa của chúng ta đi vào EU trong 6 tháng đầu năm 2022.
Tỷ lệ này đã có tốc độ tăng rất mạnh, lên đến trên 32%. Và với tỷ lệ này thì khoảng 1/4 hàng xuất khẩu của chúng ta hiện nay sang EU thì đã được nhận một số hình thức ưu đãi nhất định theo Hiệp định EVFTA. Và đây cũng là một trong những tỷ lệ khá, và cao hơn khoảng hơn 4 lần so với tỷ lệ tận dụng ưu đãi chúng ta đạt được trong Hiệp định CPTPP - cũng là một hiệp định tiêu chuẩn cao. Điều này cho thấy, cùng với giai đoạn thực thi thì doanh nghiệp chúng ta cũng đã bắt đầu thể hiện tính tích cực hơn và lợi ích của Hiệp định đem lại cũng đã thể hiện rõ rệt hơn.
PV:Cụ thể, những nhóm ngành hàng nào đã tận dụng tốt các cơ hội từ Hiệp định EVFTA thời gian qua, thưa ông?
Ông Lương Hoàng Thái: Khi chúng ta đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - EU thì nhóm hàng đầu tiên chúng ta tập trung rất mạnh trong quá trình đàm phán đó là mặt hàng nông sản. Bởi vì rào cản thâm nhập vào thị trường này đối với hàng nông sản là khá cao, thể hiện ở thuế suất của nó khá cao, và đây cũng là nhóm hàng có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người nông dân - là đối tượng mà chúng ta cần tập trung quan tâm trong quá trình hội nhập.
Trong quá trình thực hiện thì rất mừng đây là nhóm hàng thể hiện việc tận dụng ưu đãi nhanh nhất trong Hiệp định này, và con số tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu tương đối toàn diện ở nhiều nhóm hàng. Ví dụ như với cà phê tăng trên 62%, hạt tiêu tăng trên 81% trong năm đầu tiên thực hiện Hiệp định, hải sản thì cũng tăng trên 22% và đặc biệt là với mặt hàng gạo - là mặt hàng trước nay chúng ta gần như chưa xuất khẩu sang thị trường EU thì nay đã có những bước tăng trưởng tương đối khá, đạt trên 40 %.
Và quan trọng hơn nữa là khi chúng ta tăng xuất khẩu sang thị trường EU thì không phải chúng ta tăng đơn thuần về mặt số lượng mà ở đây đã có chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu nông sản của chúng ta sang một số nhóm mà có giá trị gia tăng cao hơn... Ví dụ như đối với mặt hàng gạo mà chúng ta xuất khẩu sang thị trường EU thì giá trung bình cao hơn khoảng gấp đôi so với giá xuất khẩu sang các thị trường khác.
Ngoài ra thì những mặt hàng chế biến, chế tạo cũng có những bước tăng trưởng tương đối khá, trong đó nhóm hàng máy móc, thiết bị tăng trưởng trên 20%, một số ngành khác cũng đã tận dụng rất tốt cơ hội, trong đó một số mặt hàng chủ lực có tỷ lệ sử dụng C/O cao như dệt may tăng 15,7%...
PV:Thời gian 2 năm EVFTA có hiệu lực, chủ yếu là thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Điều này đã tác động như thế nào tới hiệu quả của các cam kết - mà chúng ta kỳ vọng khi tham gia vào Hiệp định này?
Ông Lương Hoàng Thái: Một mặt, chúng ta cũng nhận thấy là đại dịch ngăn cản việc thực hiện được những trông đợi, các kịch bản về tăng trưởng sang thị trường EU đã dự tính trước đây. Nhưng mặt khác, trong bối cảnh khó khăn đó - ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam thì việc mở ra một thị trường lớn như thị trường EU cũng đóng góp phần nào để hỗ trợ cho chúng ta vượt qua giai đoạn khó khăn đó.
Với góc độ đó, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU mặc dù chưa đạt được tăng trưởng về mặt xuất khẩu như chúng ta trông đợi ban đầu (như trong kịch bản không có đại dịch xảy ra), nhưng so với các thị trường khác thì mức tăng trưởng xuất khẩu sang EU cũng rất khá. Đặc biệt EU là thị trường mà chúng ta đã xuất siêu trong năm đầu tiên thực hiện với kim ngạch hơn 22 tỷ USD. Như vậy, rõ ràng cái nó đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung cũng như khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam.
Đặc biệt là trong giai đoạn hai bên bắt đầu chuẩn bị cho giai đoạn hậu Covid-19, bắt đầu phục hồi kinh tế, đi vào giai đoạn kinh tế hoạt động bình thường thì tăng trưởng cả xuất khẩu của Việt Nam sang EU cũng như xuất khẩu của EU sang Việt Nam đã có những bước ổn định và ấn tượng hơn nhiều so với giai đoạn trước đây. Đây chính là tín hiệu tích cực để giúp hai bên cùng tăng cường hợp tác hơn nữa để chuẩn bị cho giai đoạn tăng trưởng ổn định và lâu dài hơn trong tương lai.
PV: Nhìn lại sau 2 năm thực thi, đâu là những khó khăn mà doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm?
Ông Lương Hoàng Thái: Rõ ràng là khi chúng ta mở ra thị trường lớn như vậy thì phải đẩy mạnh hoạt động về xúc tiến thương mại, thâm nhập thị trường, nhưng do những tác động của đại dịch Covid-19 nên chưa làm được chuyện này. Vì vậy, chúng ta cần phải thúc đẩy mạnh công tác tìm hiểu thị trường, XTTM để doanh nghiệp có thể tiếp cận tốt hơn vào thị trường EU.
Thứ hai, cũng rất đáng lưu ý là thị trường EU đang có xu hướng dịch chuyển rất mạnh mẽ sang tiêu dùng xanh, sạch, đòi hỏi đáp ứng tiêu chuẩn về lao động, về môi trường... Tức là người tiêu dùng ở châu Âu hiện nay không chỉ đơn thuần yêu cầu về giá cả và chất lượng nữa mà người ta quan tâm đến quy trình sản xuất hàng hóa đó như thế nào (ví dụ có thải nhiều các-bon ra khí quyển hay không, hay là có trả lương tốt cho người lao động làm việc trực tiếp hay không và điều kiện lao động của người làm việc trong quá trình sản xuất ra những sản phẩm đó như thế nào... Đây là xu hướng mà nó diễn ra ngày càng mạnh mẽ hơn và rõ ràng chúng ta cần phải đón đầu xu hướng này.
Nếu như chúng ta thành công với xu hướng này thì giá trị thu được trong quá trình xuất khẩu sẽ còn lớn hơn và đây là điều đặc biệt cần lưu ý.
Điểm thứ ba chúng ta cũng rất cần lưu ý - EU là thị trường rất khó tính, với rất nhiều yêu cầu về kỹ thuật, kiểm dịch động vật; và thậm chí là ngoài những tiêu chuẩn do nhà nước đặt ra thì họ còn có những tiêu chuẩn mà doanh nghiệp của họ tự đặt ra và yêu cầu khi hàng hóa - ví dụ hàng hóa vào chuỗi bán lẻ thì phải đáp ứng điều kiện nhất định.
Với những điều kiện mang tính tương đối phức tạp như vậy, những cái mà chúng ta hay gọi là hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng thì đòi hỏi doanh nghiệp Việt cũng cần có những bước chuyển đổi mô hình của mình để đáp ứng tốt nhất thị hiếu ở thị trường EU, từ đó mới có thể khai thác một cách có hiệu quả lâu dài và bền vững thị trường này.
PV:Nhiều chuyên gia cho rằng, bước sang năm thứ 3 (từ 01/8/2022) thì Hiệp định EVFTA mới thực sự cho thấy sự đổi thay trong việc tận dụng các cơ hội từ Hiệp định. Vậy theo ông chúng ta cần làm gì để đạt hiệu quả cao nhất?
Ông Lương Hoàng Thái: Việc quan trọng nhất là cần phải cung cấp thông tin đầy đủ cho cộng đồng doanh nghiệp, để doanh nghiệp có thể khai thác được tốt nhất những quy định đã có trong Hiệp định. Vì những quy định này mang tính chất tương đối phức tạp.
Trong thời gian qua, sau khi Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động để thực thi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - EU thì tất cả các bộ, ngành cũng như các địa phương cũng đã tích cực vào cuộc để thúc đẩy Chương trình này.
Thứ hai nữa là chúng ta cần phải hỗ trợ mạnh mẽ cho quá trình doanh nghiệp có thể tự mình lớn lên, để tìm hiểu thông tin tốt hơn, có thể tham gia vào thị trường EU và đặc biệt là có thể vượt qua thách thức, những rào cản về kỹ thuật, với những xu hướng tiêu dùng mới đang phát sinh ở thị trường EU.
Khi Hiệp định này được ký kết thì Thủ tướng Chính phủ có ví là Hiệp định này mở ra một đường cao tốc để kết nối hai nền kinh tế Việt Nam và EU. Rõ ràng là đường cao tốc thì phương tiện vận hành trên đó nó phải khác với đường bình thường.
Vậy nhiệm vụ của Chính phủ là phải hỗ trợ như thế nào để doanh nghiệp của chúng ta có thể xây dựng được những phương tiện đi lại phù hợp với đường cao tốc đó chứ không phải là những phương tiện mà trước đây chúng ta sử dụng ở đường làng, ngõ xóm... Đây là điều mà rất cần có sự tham gia của tất cả các cơ quan ở nhiều lĩnh vực khác nhau, cũng như là cả những địa phương để giúp doanh nghiệp của chúng ta có đủ sức mạnh để ra con đường cao tốc đó, để khai thác tốt con đường cao tốc đó.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông./.