Sau 1 năm nhặt được 5 triệu Yen trong chiếc loa thùng cũ, số tiền 5 triệu yên vẫn chưa thuộc về chị Huỳnh Thị Ánh Hồng. Lý do là xuất hiện nhân vật lạ ở "phút 89" là bà Phạm Thị Ngọt có đơn trình báo công an nhận đây là số tiền của mình. Hiện hồ sơ vụ việc đã được công an Tân Bình (TP HCM) chuyển lên toà án giải quyết.

Sai lầm khi quan niệm 5 triệu Yen là vật?

lsu_ntvo_zhrr.jpgLuật sư Lê Luân, Đoàn Luật sư Hà Nội 
Về vụ việc này, đã có nhiều ý kiến phân tích của các luật sư. Trong phân tích trên báo Tuổi trẻ, Luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP HCM) dẫn ra các điều luật liên quan và cho rằng, tiền yen hay bất kỳ ngoại tệ nào hoàn toàn không được xem là tiền theo luật Việt Nam vì nó không phải là phương tiện thanh toán. Mà nếu nó không phải là phương tiện thanh toán (tiền) thì chỉ xem nó như một loại tài sản theo khoản 2 điều 174 Bộ luật dân sự. Do đó không thể áp dụng điều 163 Bộ luật dân sự xem nó là “tiền”.

Luật sư Lê Luân, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, đây là một cách lập luận và suy diễn nguy hiểm, sai lầm nghiêm trọng tư duy logic, vì những mệnh đề tương đương không khớp nhau: A tương đương B, B tương đương C, C không phải D nên suy ra: A không phải D. Tuy nhiên, dù C không phải D nhưng D lại là một tập giao với C. Nên đương nhiên trong A vẫn có một phần tính chất của D.

Luật sư Lê Luân, đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, quan niệm trên lãnh thổ Việt Nam thì chỉ dùng đồng tiền Việt Nam để thanh toán, giao dịch, còn ngoại hối không được phép là không đúng quy định pháp luật.

Luật sư Lê Luân dẫn chứng, Điều 22 Pháp lệnh ngoại hối 2003 (đã sửa đổi năm 2013) quy định rằng không được phép giao dịch bằng ngoại hối trừ các trường hợp do Ngân hàng Nhà nước quy định. Mặt khác Pháp lệnh cũng giải thích rõ Ngoại hối là đồng tiền nước ngoài.

Tiếp đó, Thông tư 32/2013/TT-NHNN đã quy định rõ các trường hợp được giao dịch bằng ngoại hối tại Điều 3, Điều 4.

Trong khi đó, Điều 163 Bộ luật Dân sự chỉ ghi tài sản bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản. Tức chỉ quy định là tiền chứ không phải chỉ tiền Việt Nam mà là một đồng tiền bất kỳ gọi tên và được hiểu là tiền. Mà về tập hợp, vật bao gồm tiền, tiền lại bao hàm tiền Việt Nam hoặc các loại tiền riêng lẻ khác... “Nên không ai tranh cãi việc tiền là vật cả. Mà chỉ cần áp dụng cụ thể việc 5 triệu Yen Nhật là tiền đã đủ rồi chứ không cần phải bảo nó là vật. Vì đủ điều kiện là cái nhỏ hơn thì áp dụng theo cái mà nó phù hợp nhất”- luật sư Lê Luân cho biết.

5 triệu Yen phải thuộc về vợ chồng đồng nát?

Theo Luật sư Luân, ngoại hối, ngoại tệ là tiền, chỉ là cách gọi pháp lý để phân biệt đồng tiền trong nước với đồng tiền của một quốc gia khác. Và vì là đồng tiền nên nó được thực hiện thanh toán quốc tế cũng như trong khu vực. Vì là tiền bởi nó là phương tiện trung gian thanh toán, trao đổi (vàng cũng là một loại tiền). Và tiền, về mặt vật chất, cũng là vật. Nhưng đối chiếu với Điều 163 Bộ Luật Dân sự 2005 thì thấy rõ ràng, tiền và vật là hai loại tài sản khác nhau, có hệ quả pháp lý khác nhau. Nên đến nay, để khắc phục, để hiểu đúng và đảm bảo khoa học pháp lý, Dự thảo Bộ luật Dân sự 2015 (sửa đổi) đã bỏ quy định như Điều 163, mà quy định tài sản chỉ bao gồm: Vật và Quyền. Được chia thành Động sản và Bất động sản.

 

Đôi vợ chồng mua ve chai nói dù giàu hay nghèo họ vẫn lao động, vẫn yêu thương nhau (ảnh: KT)

Luật sư Lê Luân cũng cho rằng, ngoại tệ, nó không phải là đồng tiền được lưu thông rộng rãi, nhưng nó được dùng để thanh toán, giao dịch dân sự trong đời sống hàng ngày, được cá nhân cất giữ, trao đổi, sử dụng hoặc tiết kiệm, hoặc phục vụ thanh toán các giao dịch vãng lai... nên nó phải là tiền chứ chẳng thể khác được. Tên gọi khác không phải để hiểu nó khác nhau khi nó là một loại. “Con bò Nhật Bản với con bò Việt Nam thì vẫn là con bò mà thôi. Chứ không cần bảo con bò Nhật Bản là động vật”- Luật sư Lê Luân giải thích.

Luật sư Lê Luân dẫn điều 239, Bộ Luật dân sự quy định về việc xác lập quyền sở hữu đối với vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu quy định: Vật vô chủ là vật mà chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu đối với vật đó. Người đã phát hiện vật vô chủ là động sản thì có quyền sở hữu tài sản đó theo quy định của pháp luật; nếu vật được phát hiện là bất động sản thì thuộc Nhà nước.

Khoản 2, Điều này cũng quy định “Người phát hiện vật không xác định được ai là chủ sở hữu phải thông báo hoặc giao nộp cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Việc giao nộp phải được lập biên bản, trong đó ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người giao nộp, người nhận, tình trạng, số lượng, khối lượng tài sản giao nộp. Uỷ ban nhân dân hoặc công an cơ sở đã nhận vật phải thông báo cho người phát hiện về kết quả xác định chủ sở hữu. Trong trường hợp vật không xác định được ai là chủ sở hữu là động sản thì sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai, mà vẫn không xác định được ai là chủ sở hữu thì động sản đó thuộc sở hữu của người phát hiện theo quy định của pháp luật; nếu vật là bất động sản thì sau năm năm, kể từ ngày thông báo công khai vẫn chưa xác định được ai là chủ sở hữu thì bất động sản đó thuộc Nhà nước; người phát hiện được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật”.

Luật sư Lê Luân cho rằng, 5 triệu Yen sẽ trở thành tài sản của chị Hồng nếu không có ai nhận làm chủ sở hữu và chứng minh được là chủ sở hữu số tiền đó. Đến nay đã hết thời hạn 1 năm từ ngày thông báo, nên theo quy định tại Điều 239, Bộ Luật Dân sự, 5 triệu Yen sẽ trở thành tài sản của chị Hồng. Đó là cách làm hợp pháp./.