Chia sẻ tại Hội thảo “Bộ luật Dân sự - dưới góc nhìn của doanh nghiệp”, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) Trần Hữu Huỳnh cho rằng có một thực tế đang tồn tại hiện nay là doanh nghiệp ít quan tâm, nếu không nói là họ không đọc luật dân sự, coi luật dân sự là “luật của dân chứ không phải của doanh nghiệp”.

hoi_thao_tr_lbyq.jpg
Hội thảo “Bộ luật Dân sự - dưới góc nhìn của doanh nghiệp”
Phía doanh nghiệp cho rằng Luật Dân sự không chi tiết, thay vì đọc Luật Dân sự họ tìm hiểu luôn luật chuyên ngành vừa cụ thể, chi tiết, đỡ mất thời gian. Đại diện phía doanh nghiệp tham dự Hội thảo, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng thừa nhận thực tế này đồng thời chia sẻ bản thân ông đọc nhiều Luật GTVT hơn là Luật Dân sự.

Lý giải cho thực tế này từ kinh nghiệm từ vấn cho khách hàng, Luật sư Ngô Việt Hòa (Công ty Luật Russin&Vecchi) cho rằng đã từng có quan niệm Luật Dân sự điều chỉnh hành vi không mang tính chất kinh doanh, thương mại. Tuy nhiên từ khi Bộ Luật Dân sự 2005 ra đời, phạm vi điều chỉnh của luật đã được mở rộng, điều chỉnh cả các hoạt động kinh doanh, thương mại, như vậy các doanh nghiệp cũng sẽ có rất nhiều quyền và nghĩa vụ phải căn cứ vào Bộ luật Dân sự để xử lý. Vì vậy Bộ luật Dân sự phải là một trong những luật đầu tiên doanh nghiệp cần tìm hiểu.

Với vai trò là một bộ luật căn bản, có thể coi là “sách gối đầu giường” cho doanh nghiệp, trước thực tế trên, theo luật sư Ngô Việt Hòa cần tăng cường tuyên truyền để doanh nghiệp hiểu rõ hơn giá trị của Bộ luật Dân sự, một bộ luật gốc quy định tất cả các quyền cơ bản của các chủ thể trong các mối quan hệ trong xã hội; nó liên quan đến các vấn đề sát sườn của doanh nghiệp như các biện pháp bảo đảm, thế chấp tài sản… Khi các luật chuyên ngành như Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại… không quy định người ta sẽ phải quy chiếu đến các quy tắc cơ bản là các quy định của Bộ luật Dân sự để xử lý quan hệ. Bộ luật Dân sự sẽ là bộ luật cuối cùng khi các luật khác không điều chỉnh quan hệ mà doanh nghiệp đang tham gia để xử lý các quan hệ ấy.

Doanh nghiệp quan tâm đến luật khi có tranh chấp. Tuy nhiên việc có sự chuẩn bị tốt các kiến thức về luật trước khi tham gia các giao dịch sẽ giúp doanh nghiệp tự bảo vệ quyền lợi của mình tốt hơn. Không chỉ Bộ luật Dân sự, mà doanh nghiệp cùng cần biết rõ tất cả các luật chuyên ngành khác.

Luật sư Ngô Việt Hòa (Công ty Luật Russin&Vecchi)
Về mối quan hệ giữa Bộ luật Dân sự và các luật chuyên ngành, Luật sư Ngô Việt Hòa cho rằng luật chuyên ngành là luật riêng, nên được ưu tiên áp dụng trước. Ví như trong lĩnh vực Hàng hải đương nhiên doanh nghiệp sẽ phải tìm hiểu Luật Hàng hải, trong trường hợp Luật Hàng hải không quy định cụ thể về một vấn đề nào đó người ta mới dẫn chiếu đến các quy định của Bộ luật Dân sự để xử lý. Doanh nghiệp kinh doanh trong một lĩnh vực cụ thể thường ưu tiên tìm hiểu luật chuyên ngành trước, việc tham khảo các luật gốc chỉ nhằm dự phòng.

Thực tế Bộ luật Dân sự không được quan tâm nhiều bằng các luật chuyên ngành khiến người ta có cảm giác Bộ luật này dường như đang bị mất đi vai trò luật gốc, hay “sách gối đầu giường” về luật. Ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) cho rằng Bộ luật Dân sự phải quy định như thế nào đó để trở thành một bộ luật gốc. Để làm được điều này, phải thực hiện được 3 việc: Bộ luật phải có những quy định để bao trùm được tất cả các lĩnh vực của đời sống tư, quan hệ tư; Bộ luật này phải được xây dựng với những quy tắc cơ bản để chi phối các luật chuyên ngành; khi các luật chuyên ngành có quy định thì ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành, khi luật chuyên ngành không có thì mới áp dụng luật dân sự.

Luật sư Ngô Việt Hòa cho rằng, tuy chưa và sẽ khó có một thống kê chính thức nào nhưng chắc chắn Bộ luật Dân sự là văn bản pháp luật được dẫn chiếu, sử dụng, áp dụng nhiều nhất, do đó có ảnh hưởng lớn nhất đến người dân cũng như giới kinh doanh, đồng thời nhận được sự chú ý quan tâm lớn từ cộng đồng luật sư và chuyên gia pháp lý./.