Thị trường Liên minh châu Âu (EU) vốn là đối tác truyền thống của ngành dệt may Việt Nam từ lâu và được hưởng chính sách ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) 9,6% khi xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU. Theo cam kết từ Hiệp định EVFTA, lộ trình giảm thuế về 0% đối với hàng dệt may Việt Nam vào thị trường EU cho phép kéo dài trong vòng 7 năm - với các tiêu chuẩn ngày càng cao hơn. Trong khoảng 5 năm đầu, thuế nhập khẩu với một số mặt hàng dệt may vào thị trường EVFTA vẫn dao động từ 3% đến 12%.

Mặc dù vẫn đang tận dụng được ưu đãi từ thuế suất GSP và “quen” với cách thức xuất khẩu truyền thống, song, để có thể tận dụng được các ưu đãi từ EVFTA, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã nỗ lực để nghiên cứu và đầu tư, đáp ứng các yêu cầu của Hiệp định.

Nếu như trong năm đầu tiên hiệp định EVFTA có hiệu lực, dưới tác động không nhỏ từ đại dịch Covid-19, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU giảm, trong đó có dệt may (giảm 15,2% so với năm 2020) thì sang năm thứ 2 thực thi hiệp định này, xuất khẩu hàng dệt may sang EU đã tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước, và tỷ lệ sử dụng chứng nhận xuất xứ ưu đãi theo Hiệp định EVFTA cũng tăng cao hơn nhiều so với năm đầu thực thi (năm đầu tiên thực thi EVFTA, hàng dệt may sử dụng C/O mẫu EUR.1 đạt 15,17%).

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, xuất khẩu dệt may sang Liên minh Châu Âu trong 6 tháng đầu năm nay tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiệp định EVFTA đã có những tác động tích cực, tạo ra thị trường rộng mở, có tính toàn diện, đồng thời thúc đẩy ngành dệt may nỗ lực đầu tư đổi mới công nghệ, đẩy mạnh tự động hoá, quản trị số… để đáp ứng quy tắc xuất xứ  “hai công đoạn” hết sức chặt chẽ của Hiệp định.

“Sau 2 năm EVFTA thức thi, Hiệp định đã tác động đến tầm nhìn trong chiến lược phát triển vào phần cung thiếu hụt của ngành dệt may Việt Nam. Hiệp định đòi hỏi từ vải tại thị trường Việt Nam, các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư mạnh vào phần công thiếu hụt. Thứ hai, tác động đến một số dòng sản phẩm cao cấp với giá trị gia tăng cao tương đối cao hơn so với mục tiêu, hàng loạt những nhãn hàng lớn đã sản xuất các sản phẩm cho thị trường EU. Thứ ba là tỷ trọng tăng trưởng tuy chưa cao nhưng tác động đến hiệu quả của doanh nghiệp khi dòng thuế được một số sản phẩm đã bắt đầu về 0 rồi. Đấy là tác động rất tích cực và tôi tin tưởng Hiệp định này sẽ là một mục tiêu cho dài hạn của ngành dệt may trong thời gian tới…”, ông Vũ Đức Giang cho biết.

Cụ thể, để được hưởng ưu đãi thuế quan về 0% khi xuất khẩu vào thị trường EVFTA, doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải đảm bảo tiêu chuẩn “xuất xứ từ vải trở đi”. Nghĩa là vải sử dụng để cắt may thành quần áo xuất khẩu vào thị trường EVFTA phải có xuất xứ từ EU hoặc Việt Nam. Trong khi dệt may Việt Nam nhập khẩu kim ngạch lớn vải nguyên liệu từ nhiều thị trường trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản... còn lượng vải nguyên liệu nhập khẩu từ EU hiện rất khiêm tốn (chỉ một vài % trong tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, để có thể đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng dệt may xuất khẩu sang EU và tận dụng được các ưu đãi từ Hiệp định EVFTA thì phải có cơ chế hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ để nâng cao năng lực sản xuất vải nguyên liệu trong nước, không phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

“Thời gian gần đây, để tận dụng quy tắc xuất xứ từ EVFTA thì việc chọn nguồn vải phù hợp cũng là một yếu tố rất quan trọng, thế nhưng câu chuyện lớn hơn nữa, bản thân trong những xung đột địa chính trị có nhiều vấn đề phi kinh tế mà thời gian gần đây trực tiếp ảnh hưởng đến ngành dệt may. Đấy cũng là một điều mà không phải chỉ trong EVFTA mà trong xuất khẩu dệt may nói chung cũng cần phải cân nhắc những nguồn hàng mà có thể gặp rủi ro cấm vận của các đối tác liên quan…”, ông Nguyễn Anh Dương nêu ý kiến.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Hưng Yên (CTCP), không phải khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực các doanh nghiệp dệt may mới tính toán đến chiến lược phát triển nguồn nguyên phụ liệu trong nước. Doanh nghiệp dệt may luôn mong muốn gia tăng giá trị trong chuỗi sản xuất, nhưng khó khăn từ lâu vẫn chưa giải quyết được là việc xin cấp phép đầu tư các dự án dệt nhuộm quy mô lớn do một số địa phương do lo ngại các vấn đề về môi trường. Ông Nguyễn Xuân Dương kiến nghị, cần phải có giải pháp đầu tư vào phần cung thiếu hụt của ngành và khuyến khích đầu tư sản xuất sợi, vải trong nước, đáp ứng yêu cầu chất lượng cho may xuất khẩu cũng như đẩy mạnh quá trình nội địa hóa.

“Chúng ta không có đường nào khác là phải tạo được lợi ích cho nhà đầu tư. Nếu đầu tư vào không biết được tính chính xác, ví dụ đất cho thuê bao nhiêu năm ưu đãi, vấn đề môi trường có thể xử lý nước thải hay không. Nếu ta không trả lời câu hỏi đó thì chắc chắn không ai cho đầu tư cả. Cho nên, Chính phủ phải có chủ trương rất lớn về vấn đề này thì mới giải quyết được…”, ông Nguyễn Xuân Dương nêu rõ.

Đại dịch Covid-19 xảy ra cũng đã bộc lộ rõ hạn chế khi phụ thuộc nguồn cung nguyên phụ liệu vào thị trường nước ngoài. Không ít doanh nghiệp dệt may chậm giao hàng vì nguồn cung nguyên liệu sản xuất bị gián đoạn. Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) nhấn mạnh, đặc thù của ngành dệt may là cung ứng theo chuỗi, trong khi các doanh nghiệp sở hữu thương hiệu thời trang lớn thường lựa chọn cả chuỗi cung ứng. Do vậy, để ngành dệt may phát triển, cần thúc đẩy thành lập những cụm công nghiệp để tập trung sản xuất nguyên phụ liệu. Đồng thời, cần có các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp, thu hút các nhà đầu tư mới, đáp ứng đầy đủ nguồn nguyên liệu chất lượng cao và ổn định.

“Cần có khu công nghiệp được quy hoạch cho loại hình sản xuất nguyên liệu dệt may, công nghiệp phụ trợ cho dệt may. Còn hiện tại, trên cả nước chưa có khu công nghiệp nào được chỉ rõ đây là khu công nghiệp dành cho ngành phụ trợ dệt may. Do đó, các doanh nghiệp lớn không thể vào, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn của châu Âu. Đối với ngành dệt may, nhất là ngành sản xuất nguyên liệu thì các doanh nghiệp châu Âu lại đang giữ công nghệ và thiết bị tốt nhất của ngành sản xuất sợi, dệt, nhuộm. Như vậy, lợi thế là doanh nghiệp châu Âu có thể đầu tư, kể cả đầu tư bán trả chậm trang thiết bị cho doanh nghiệp Việt Nam và nguyên liệu đó quay trở lại cho sản xuất dệt may xuất khẩu, đảm bảo xuất xứ, thì cả hai bên đều có lợi…”, ông Lê Tiến Trường kiến nghị.

Cùng với việc đáp ứng yêu cầu “xuất xứ từ vải trở đi”, theo các chuyên gia, để có thể tận dụng tối đa lợi ích mà Hiệp định EVFTA mang lại, các doanh nghiệp dệt may cần nghiên cứu kỹ những cam kết về thương mại gắn với phát triển bền vững, trong đó có các quy định về lao động và môi trường - từ điều kiện, môi trường làm việc của người lao động đến các quy định cụ thể về bảo vệ môi trường của từng sản phẩm, hàng hoá xuất khẩu trong quy trình sản xuất đến tiêu dùng bền vững của các thị trường trong khối EVFTA./.

Cùng loạt bài: “Cao tốc EVFTA” và những nỗ lực sau 2 năm thực thi”