Sáng 28/1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Sửa đổi Bộ luật Dân sự đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước”. Buổi tọa đàm được truyền hình trực tiếp trên kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Tại buổi tọa đàm, các khách mời đã trao đổi, làm rõ về sự cần thiết, định hướng, nguyên tắc sửa đổi Bộ luật Dân sự, những điểm mới cơ bản của dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) vừa được đưa ra lấy ý kiến nhân dân; cơ chế hiến định quyền con người, quyền công dân được cụ thể hóa trong dự thảo Bộ luật.

Các đại biểu đánh giá cao những điểm mới rất tiến bộ của dự thảo Bộ luật như quy định về thời hiệu khởi kiện, quy định về quyền sở hữu và các vật quyền khác, đặc biệt là quy định về nghĩa vụ của tòa án không được dựa vào việc thiếu pháp luật điều chỉnh để từ chối thụ lý vụ việc của người dân. Theo đó, trong các trường hợp cụ thể, khi chưa có điều luật để giải quyết tranh chấp thì Tòa án cần căn cứ vào nguyên tắc chung để thụ lý vụ việc.

Theo ông Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự- kinh tế, Bộ Tư pháp, so với Bộ luật Dân sự hiện hành thì điểm mới đáng chú ý của dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi là không chỉ liệt kê các hình thức sở hữu mà còn khẳng định quyền của mọi chủ sở hữu đều được bảo vệ như nhau.

Ông Vương Đăng Huệ phân tích: “Bộ luật Dân sự phải tuyên bố cho toàn dân biết là ở Việt Nam tồn tại những hình thức sở hữu gì và đặc biệt không chỉ cụ thể hóa các hình thức sở hữu đâu mà còn phải nói cụ thể. Như trong Hiến pháp không thể nào nói các chủ sở hữu được bảo vệ như nhau nhưng trong Bộ luật Dân sự phải đi sâu một bước nữa. Đó là chúng ta tiếp thu kinh nghiệm của các nước tiên tiến. Việt Nam là một nước dân chủ nên không thể khác được. Bộ luật Dân sự phải cụ thể hóa Hiến pháp và tạo cơ chế để thực hiện quyền được Hiến pháp quy định”.

Bộ luật Dân sự là bộ luật quan trọng, bao trùm mọi quan hệ giao dịch dân sự. Tuy nhiên, đây cũng là bộ luật có tính chuyên ngành. Do đó, để tổ chức việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) hiệu quả và thực chất, Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế cho rằng: Cần có cách tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, đảm bảo để dự thảo Bộ luật quan trọng này có thể phản ánh được hết các ý kiến của người dân, nhất là những nhóm yếu thế trong xã hội.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh cũng cho rằng phải căn cứ vào tình hình, mặt bằng dân trí ở từng địa phương để có cách tuyên truyền dễ hiểu./.