Sáng nay (17/1), tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị phổ biến, hướng dẫn các nội dung liên quan đến việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) cho các báo cáo viên pháp luật.

Tại hội nghị, báo cáo viên Trung ương và các tỉnh, thành phố được nghe giới thiệu về sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), những điểm hạn chế trong quy định của Bộ luật dân sự hiện hành và những nội dung cơ bản, điểm mới trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) bao gồm Quy định chung; Quyền sở hữu và các vật quyền khác; Nghĩa vụ và hợp đồng; Thừa kế; Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng khẳng định: Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được xác định là một trong những dự án luật có tầm quan trọng đặc biệt trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kì khóa XIII. Việc sửa đổi Bộ luật Dân sự đặt ra yêu cầu đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời với vị trí là luật chung, việc sửa đổi có thể tác động đến quy định của hệ thống văn bản luật chuyên ngành như thương mại, hôn nhân và gia đình, nhà ở… Do đó, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật là hết sức quan trọng. Các báo cáo viên pháp luật phải là hạt nhân giúp các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai việc lấy ý kiến nhân dân đạt hiệu quả, chất lượng.

Thứ trưởng Đinh Trung Tụng nêu rõ: “Các đồng chí có thể mở các lớp báo cáo viên ở địa phương cũng như ở Trung ương, giới thiệu các tài liệu về Bộ luật Dân sự (sửa đổi), gợi mở, nêu vấn đề để xin ý kiến bảo đảm tập trung và chất lượng. Vì lần này toàn bộ dự thảo đều được lấy ý kiến nhân dân, trong đó tập trung 10 vấn đề. Ngoài ra các vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước của Bộ, ngành, liên quan đến doanh nghiệp, liên quan đến đặc điểm, đặc thù của tỉnh, thành, các đồng chí căn cứ vào đó để góp ý kiến”.

Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến nhân dân gồm 712 điều, được bố cục thành 6 phần, 26 chương. So với Bộ luật Dân sự năm 2005, dự thảo Bộ luật giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 176 điều, bãi bỏ 147 điều. Việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật này nhằm xây dựng Bộ luật Dân sự thành luật chung, luật nền của hệ thống pháp luật, điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành trên nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia đồng thời ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, pháp nhân trong giao lưu dân sự./.