Sáng 17/3, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo góp ý các quy định về chủ thể, chế định tài sản và quyền sở hữu trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Tại hội thảo, các đại biểu khẳng định, chế định tài sản luôn là chế định quan trọng nhất. Tuy nhiên, quy định về tài sản và các quy định khác liên quan đến tài sản còn bộc lộ nhiều hạn chế. Với quy định tại Bộ Luật Dân sự hiện hành tài sản chỉ bao gồm 4 loại: vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản thì hoàn toàn chưa giải quyết những vấn đề liên quan đến tài sản mới phát sinh trong xã hội như: tài sản ảo, bộ phận cơ thể người, khoảng không… những tài sản đó đang cần điều chỉnh của pháp luật.

Bên cạnh đó, Bộ Luật Dân sự 2005 chỉ quy định những vấn đề liên quan đến vật mà chưa quy định về tiền, giấy tờ có giá trị. Do đó, trong thực tiễn áp dụng có nhiều cách hiểu khác nhau liên quan đến giấy tờ có giá, quyền tài sản dẫn đến sự không thống nhất.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Đăng Hiếu, Đại học Luật Hà Nội đề nghị: “Những loại tài sản được quy định ở điều về tài sản cần đưa ra khái niêm, phân loại, đưa ra các quy định để có cách hiểu đúng về tiền, về vật có giá. Hơn thế, đưa ra định hình quyền tài sản nào được coi là loại tài sản, quyền tài sản nào không được coi là tài sản để tránh tình trạng lạm dụng khái niệm quyền tài sản để vào các giao dịch khác nhau mà cùng chung giá trị. Ví dụ ở Việt Nam có hiện tượng nhiều quyền tài sản khác nhau để cùng đi thế chấp, vay nhiều ngân hàng dẫn đến tình trạng nợ xấu”.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận địa vị pháp lý, tài sản chung, trách nhiệm dân sự của hộ gia đình và tổ hợp tác xã và xem xét tính hợp lý của các quy định về các chủ thể này.

Thạc sỹ Doãn Thị Vân Anh, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng: Việc quy định hộ gia đình là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự là cần thiết. Bởi đó là những thực thể đang tồn tại trong xã hội và tham gia vào nhiều quan hệ pháp luận dân sự. Bên cạnh đó, Tổ hợp tác là bộ phận hợp thành của kinh tế tập thể, là tổ chức kinh tế xã hội của những người lao động trong cơ chế thị trường, cần được nhà nước hỗ trợ khi mới ra đời và cả trong quá trình phát triển. Do đó, cần tiếp tục ghi nhận hộ gia đình và tổ hợp tác là các chủ thể quan hệ pháp luật dân sự như Bộ Luật Dân sự hiện hành.

“Cần có định nghĩa rõ ràng hơn về tổ hợp tác và hộ gia đình, quy định cụ thể tiêu chí, căn cú xác định thành viên hộ gia đình trong quan hệ pháp luât dân sự. Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho tổ hợp tác quản lý được tốt hơn, công khai hóa hoạt động quản lý tổ hợp tác. Bên cạnh đó, cần quy định chung để tránh tình trạng khó phân định trách nhiệm dân sự của tổ hợp tác, hộ gia đình và tránh nhiệm dân sự hoặc khi xảy ra tranh chấp tổ hợp tác và thành viên, giữa hộ gia đình và các thành viên của hộ”, Thạc sỹ Doãn Thị Vân Anhnói.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng phân tích những ví dụ thực tiễn và thách thức gặp phải khi áp dụng các quy định về chế định tài sản và quyền sở hữu trong Bộ Luật dân sự 2005, trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam ./.