Ngày 15/1, phiên tòa xét xử 23 bị cáo trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản tiếp tục phần tranh luận. Các luật sư đã trình bảy quan điểm tham gia bảo vệ quyền lợi cho các công ty bị chiếm đoạt tiền.

 phien-toa-1.jpg
 Phiên tòa xét xử 23 bị cáo trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Luật sư Ngô Đình Trấn,  bảo vệ quyền lợi cho Công ty Thái Bình Dương cho rằng, các bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như, Võ Anh Tuấn đều là người được Vietinbank bổ nhiệm, được giao trách nhiệm huy động vốn. Mặt khác, giấy ủy quyền cho Võ Anh Tuấn được phép giao dịch huy động vốn là hợp pháp, các giấy nhận tiền do Tuấn ký đều là chữ ký thật, đóng dấu thật.

Bộ Luật Hình sự cũng quy định rõ pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra khi thực hiện nhiệm vụ do chính pháp nhân giao cho. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử tuyên buộc Ngân hàng Vietinbank phải trả lại 80 tỷ đồng và tiền lãi phát sinh. Luật sư cũng đề nghị Hội đồng xét xử làm rõ trách nhiệm quản lý, kiểm tra, theo dõi của Vietinbank vì trong vụ án này không thể phủ nhận sự sơ hở, yếu kém của Vietinbank khi để xảy ra nhiều sai phạm liên tục kéo dài, để nhân viên của mình chiếm đoạt gần 5.000 tỷ đồng mà không kịp thời phát hiện, ngăn chặn. Theo luật sư, đây là dấu hiệu của hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Luật sư Nguyễn Duy Dụ, bảo vệ quyền lợi cho 3 công ty: Phúc Vinh, Thịnh Phát và Hưng Yên không nhất trí quan điểm của Viện Kiểm sát về việc lãnh đạo 3 công ty không đến trực tiếp các phòng giao dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho bị cáo Như làm giả con dấu, giả chữ ký.

 
 Huỳnh Thị Huyền Như (áo trắng) tại phiên tòa

Theo luật sư, lãnh đạo các công ty đã gặp trực tiếp Võ Anh Tuấn, đã gọi điện đến Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và xem trang web về thông tin cá nhân của bị cáo Tuấn, cũng như nhận được giấy ủy quyền cho Tuấn đại diện Vietinbank Nhà Bè ký hợp đồng huy động vốn. Do đó không có sơ hở, hoặc tạo thuận lợi cho Huyền Như phạm tội như Viện Kiểm sát nêu. Vietinbank chi nhánh TP HCM, chi nhánh Nhà Bè đã tiếp nhận hồ sơ và thực hiện các thủ tục cần thiết để mở tài khoản nên quan hệ giao dịch hoàn toàn hợp pháp, được điều chỉnh bởi hệ thống. Vì vậy, Vietinbank phải có trách nhiệm về những thiệt hại do vi phạm của cán bộ, nhân viên của mình gây ra.   

Cùng quan điểm nêu trên, luật sư Trần Minh Hải, bảo vệ quyền lợi cho Công ty Cổ phần chứng khoán Phương Đông cũng cho rằng, theo quy định, khi khách hàng chuyển tiền vào hệ thống thì sau khi hạch toán, ngân hàng phải có trách nhiệm quản trị an toàn tiền gửi. Vietinbank để xảy ra hiện tượng cán bộ dùng quyền hạn chiếm đoạt tiền thì phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại.

Luật sư Lưu Văn Tám, bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng ACB đưa ra nhiều lập luận để phản bác quan điểm của Viện Kiểm sát. Theo luật sư Tám, 32 hợp đồng tiền gửi do 17 nhân viên ACB ký đều là thật, chữ ký thật, con dấu thật và các hợp đồng dù được ký ở đâu cũng không làm thay đổi bản chất hợp đồng, không làm hợp đồng vô hiệu do pháp luật không cấm.

Bị cáo Như chiếm đoạt tiền hoàn thành là từ thời điểm rút tiền ra khỏi Vietinbank, do Vietinbank quản lý, được kiểm soát bằng các hợp đồng tiền gửi. Như vậy, các quan điểm của công tố viên cho rằng Vietinbank không có trách nhiệm bồi thường là không thỏa đáng, không đúng quy định của pháp luật dân sự và đã thực tế xảy ra.

Ngày mai (15/1), phiên tòa tiếp tục phần tranh luận./.