35 Hội đoàn người Việt tại Pháp vừa gửi qua khoảng 120 thư tay và thư điện tử đến Ủy ban châu Âu và Chủ tịch Ủy ban châu Âu; các Thượng nghị sỹ và các đại biểu Quốc hội Pháp; Đại sứ quán các nước tại Pháp… bản Tuyên bố chung về Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về vụ kiện tại Biển Đông.

35 hội đoàn gồm những hội đoàn người Việt Nam tại Pháp cũng như các hội đoàn quốc tế và địa phương đoàn kết với Việt Nam như: Hội người Việt Nam tại Pháp UGVF; Hội hữu nghị Pháp- Việt (AAFV); Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp, tại Paris và các địa phương của Pháp ; Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam tại Pháp; Nhóm Nghiên cứu Biển Đông tại Pháp; Foyer Việt Nam; Hợp ca quê hương; Trung tâm Thông tin và tư liệu về Việt Nam (CID); Hội doanh nhân Việt Nam- Lào-Campuchia (VCL), Quỹ Báo động chống chất độc da cam/Dioxine, Quỹ Tưởng niệm các Lính thợ Đông Dương…

toa_trong_tai_lddr.jpg
5 vị trọng tài viên của Tòa trọng tài Phụ lục VII xử vụ Philippines. Ảnh: PCA.

Xin giới thiệu toàn văn bản Tuyên bố chung này:

«Tuyên bố chung liên quan tới phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về vụ kiện của Philippines đối với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Tòa trọng tài quốc tế tại La Haye (Hà Lan) ngày 12/7/2016 đã ra phán quyết rằng, Trung Quốc không có bất kỳ căn cứ pháp lý nào khi đòi “quyền lịch sử” trong vùng giới hạn bởi “đường chín đoạn” trên Biển Đông.

Không những vậy, Tòa còn tố cáo Trung Quốc đã gây ra những tổn hại nặng nề đối với hệ sinh thái thông qua việc tự ý khai phá, biến đổi hiện trạng và xây dựng tràn lan các cơ sở hạ tầng cảng tàu, sân bay.

Chúng tôi, các tổ chức thuộc cộng đồng người Việt Nam tại Pháp và các hội đoàn hữu nghị với Việt Nam, cùng tuyên bố:

1/ Phản đối mạnh mẽ những hành động, yêu sách trái với Luật pháp quốc tế của chính phủ Trung Quốc khi:

- Đòi hơn 80% diện tích biển phía Nam Trung Quốc;

- Ngang nhiên xây dựng từ năm 2014 các đường băng, cảng và các căn cứ quân sự trên các đảo có tuyên bố chủ quyền bởi Việt Nam và các nước khác trong vùng;

- Đe dọa xác lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) hòng kiểm soát toàn bộ việc đi lại trên biển và trên không trong khu vực;

- Đã có nhiều hành động khiêu khích, tấn công với các tàu cá của Việt Nam và Philippines trong vùng tranh chấp trên Biển Đông. Cụ thể, lần gây hấn gần nhất xảy ra vào ngày 9/7/2016;

- Tăng cường các hoạt động quân sự trong vùng tranh chấp nhằm tái khẳng định cái gọi là "chủ quyền" và “quyền lịch sử” trái với phán quyết từ PCA.Thậm chí Trung Quốc còn thách thức xung đột quân sự trên Biển Đông ngay sau phán quyết từ PCA.

2/ Kêu gọi tất cả các bên liên quan đặc biệt là Trung Quốc và cộng đồng quốc tế cam kết và hành động để:

* Luật pháp quốc tế phải được thực thi, đặc biệt Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) phải được tuân thủ;

* Những tranh chấp trên Biển Đông phải được giải quyết bằng những giải pháp hoà bình và đàm phán theo luật quốc tế, tuyệt đối không sử dụng bất kỳ sự hăm dọa và hành động vũ lực nào;

* Đảm bảo sự tôn trọng của các bên đối với phán quyết từ PCA về những điểm đã được nêu ở trên.

Chúng tôi luôn ý thức rằng nguy cơ bất ổn trong khu vực luôn tiềm ẩn. Vì vậy, một mặt chúng ta phải sớm ngăn chặn những động thái có thể gây ra hậu quả khôn lường, đe dọa tới hòa bình, ổn định và tự do hàng hải, hàng không trên khu vực. Mặt khác, chúng ta cần thắt chặt hơn nữa sự đoàn kết và tình hữu nghị giữa các nước trong  khu vực, giữa cộng đồng quốc tế yêu chuộng hoà bình và công lý»./.