Nhân sự kiện Tòa Trọng tài thường trực La Hay (PCA) ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về "Đường lưỡi bò" ở Biển Đông, Phóng viên thường trú Đài TNVN tại Pháp đã có cuộc phỏng vấn nhà sử học Alain Ruscio, một chuyên gia về Đông Dương và Đông Nam Á.
PV: Thưa ông, ngày 12/7 vừa qua, Tòa Trọng tài thường trực La Hay (PCA) ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về "Đường lưỡi bò" ở Biển Đông, bác bỏ "quyền lịch sử" của Trung Quốc với đa số diện tích Biển Đông và xác định Trung Quốc đã "vi phạm quyền chủ quyền" của Philippines. Dưới góc nhìn của một sử gia, ông nghĩ thế nào về vụ việc này?
Sử gia Ruscio: Tôi thấy Trung Quốc đang cố gắng lập lại một sơ đồ rất xưa cũ, mang ý chí thống trị khu vực. Trung Quốc là một nước lớn, cần phải kiêng nể, nhưng bản thân họ cũng phải tôn trọng một khu vực láng giềng. Mặt khác, họ phải tôn trọng luật quốc tế.
Từ nhiều thế kỷ nay, Trung Quốc tự coi mình là trung tâm của thế giới và tự coi mình có quyền dựa trên vị thế của kẻ mạnh nhất, có thể áp đặt ý muốn của họ với các nước láng giềng. Trung Quốc đã thực hiện điều đó trong suốt chiều dài lịch sử, và đất nước bạn - Việt Nam, trong quá khứ thường xuyên bị quân đội Trung Quốc xâm lược và thường xuyên phải đẩy lùi các đội quân đó. Hiển nhiên là tôi không mong muốn tình hình khu vực xấu đi, và tôi thấy Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chính sách nước lớn.
PV: Ông có thể nêu những đánh giá cá nhân về hệ quả và tác động của phán quyết này?
Sử gia Ruscio: Tôi cho rằng cộng động quốc tế ủng hộ phán quyết này. Có những quốc gia nắm được trọn vẹn chủ quyền của mình, nhưng cũng có rất nhiều quốc gia phải tôn trọng một phần đất láng giềng và cả luật quốc tế.
Nếu không có luật quốc tế, nếu chỉ có những nước mạnh nhất áp đặt quyền lực, thì người ta sẽ đứng trước một cuộc cuộc khủng hoảng rất nghiêm trọng.
Khi đối chiếu với những nước khác trong lịch sử, như Pháp, Anh với cuộc chiến tranh thực dân; Mỹ với cuộc chiến tranh đế quốc...tất cả những nước đó đều muốn áp đặt sự thống trị của mình, trên danh nghĩa của kẻ mạnh hơn, bằng bạo lực, nhưng đều thất bại. Ông là người Việt Nam, chắc ông hiểu câu chuyện ấy, bởi Việt Nam đã lần lượt chiến thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Như vậy là, luật của kẻ mạnh hơn không thể là quy tắc, và hơn nữa hoàn toàn có thể sẽ dẫn tới thất bại ở lúc này, lúc khác.
Do vậy, tôi thấy phán quyết của PCA, liên quan trước hết tới Philippines và Trung Quốc, là một phán quyết tích cực, và Trung Quốc cần phải tôn trọng phán quyết này, luật lệ này mà trở lại với vùng lãnh hải hợp pháp của mình, theo quy định mà các nước khác áp dụng.
PV: Với tư cách một chuyên gia, ông có thể nêu những dự đoán về sự tiến triển của tình hình khu vực và rộng hơn là tình hình thế giới sau phán quyết này?
Sử gia Ruscio: Tôi là một nhà sử học, nên tôi thiên về nhìn nhận quá khứ và không rành trong việc dự đoán tương lai. Điều mà tôi nhận thấy, đó là cuộc khủng hoảng đã hiện hình, khi mà mỗi ngày qua, Trung Quốc tiếp tục xây dựng những đường băng trên các đảo đang tranh chấp.
Tình hình sẽ trở nên hết sức nghiêm trọng nếu không có một quyết định, có một sức ép quốc tế với Trung Quốc để nước này tôn trọng luật.
Và người ta phải ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Bởi lẽ, cả thế giới nói về Trung Đông, về cuộc xung đột Israel-Palestine, nhưng theo tôi cuộc khủng hoảng tại Biển Đông dường như còn nghiêm trọng hơn, vì ở đó có sự hiện diện của những cường quốc đang lên. Tôi có thể kể thêm về vùng biển phía bắc, nơi có những hòn đảo tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Do vậy, chính quyền Bắc Kinh cần phải trở lại với lẽ phải, trở lại với việc tôn trọng luật pháp quốc tế.
PV: Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này./.