Từ nhiều năm nay, người dân ở thành phố Thái Nguyên hầu như ai cũng biết tới bà Trần Thị Kim Dung, thương binh hạng 3/4 - Bí thư chi bộ phường Quang Trung. Với cách sống lạc quan, hòa đồng và hết lòng vì công việc chung nên bà được coi là một Bí thư chi bộ giỏi, nói là dân nghe và làm theo.

Ở cái tuổi 17, người ta thường nghĩ về những dự định tương lai. Nhưng Trần Thị Kim Dung ở phường Quang Trung, thành phố Thái Nguyên đã gác lại mơ ước của riêng mình, viết đơn tình nguyện vào lực lượng dân quân tự vệ, tham gia trực chiến, đào hầm, sửa sang công sự giúp bộ đội chiến đấu.

Sau trận bom ác liệt của Mỹ đánh xuống cầu Gia Bảy, thành phố Thái Nguyên, Kim Dung bị thương mất một cánh tay. Không tham gia chiến đấu được nữa, bà đi học sư phạm để chuyển sang làm giáo viên, với tâm niệm đem hết sức mình giúp các em biết chữ. Chiến tranh, cô trò phải sơ tán nhiều nơi, nhưng dù khó đến mấy, bà cũng không để các em thất học.

“Thời kỳ căng thẳng nhất, chúng tôi lặn lội theo học sinh đến những nơi sơ tán vì các em theo gia đình đi sơ tán ở những vùng cách đó khoảng 50-60 km. Tôi còn nhớ khi ở vùng Định Hóa, để tránh máy bay ném bom, chúng tôi lại đùm bọc quần áo, sách vở, giáo án đi theo các em để mở lớp dạy học”- Kim Dung chia sẻ.

Về hưu, bà Dung tham gia công tác tại tổ dân phố. Sau đó, bà được bầu làm Bí thư chi bộ. Tổ dân phố số 3 nơi bà sinh sống là địa bàn ven đê phức tạp, nhiều gia đình kinh tế còn khó khăn. Nhìn cảnh người dân đi trên những con đường lầy lội trong mùa mưa, với vai trò Bí thư chi bộ, bà Dung đã vận động nhân dân góp công sức và tiền của để xây dựng nhiều tuyến đường, nhà văn hóa, giúp bà con có chỗ sinh hoạt, vui chơi.

“Tổ dân phố có hai tuyến đường. Một tuyến đường được nhà nước hỗ trợ một nửa, còn một tuyến phải tự vận động bà con xây dựng. Để có tiền làm đường, tôi phải đến từng nhà vận động, thuyết phục bà con đóng góp. Lúc đầu làm con đường rất khó khăn vì có nhiều loại phí. Do vậy, tôi phải tổ chức họp tổ dân phố và lấy ý kiến. Sau đó mới đi đến thống nhất, để làm sao đồng tiền của người dân bỏ ra phải thực sự hữu ích, phục vụ cho chính bản thân họ”- bà Dung chia sẻ.

Trăn trở vì nhiều thanh niên trong tổ dân phố nghiện ma túy, bà Kim Dung rất thương những gia đình thương binh có con mắc nghiện. Không quản ngại khó khăn, bà đến gõ cửa từng nhà, động viên gia đình đưa con em đi cai nghiện, rồi giúp họ tìm kiếm công ăn việc làm ổn định cuộc sống. Nhờ vậy, khu phố 3 ngày càng ổn định, không còn hộ nghèo, không có ai sinh con thứ 3 và được xếp là Tổ dân phố văn hóa tiên tiến đặc biệt.

Ông Bùi Mạnh Tuyên, Phó phòng Lao động thương binh và xã hội thành phố Thái Nguyên cho biết: “Chúng tôi thấy bà Dung không chỉ có nhiều công sức đóng góp cho sự nghiệp giáo dục trước kia mà còn đóng góp nhiều công sức cho cộng đồng dân cư. Mặc dù bản thân là thương binh nhưng bà không ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, mà đã cố gắng phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, là tấm gương cho mọi người noi theo”.

Dù đã quá tuổi lục tuần, sức khỏe ngày càng yếu, nhưng nữ thương binh Nguyễn Thị Kim Dung vẫn còn đầy nhiệt huyết và nghị lực. Nghị lực ấy đã giúp bà vượt qua tất cả để cống hiến ngày càng nhiều hơn cho cuộc sống./.