Với Tiến sĩ (TS) Hà Phương Thư, Viện Khoa học vật liệu, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ước mơ là được ở bên gia đình, bạn bè, người thân, và hơn tất cả là mong muốn được đóng góp sức mình cho sự phát triển của khoa học công nghệ nước nhà.

Vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống, khắc phục sự thiếu thốn trong môi trường làm việc trong nước, chị là tác giả và đồng tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học. Mới đây, đề án “Nghiên cứu quy trình chế tạo và đánh giá hiệu quả của hệ dẫn thuốc hướng đích cấu trúc nano lên tế bào ung thư” của TS Hà Phương Thư đã nhận được học bổng quốc gia Loreal- UNESCO Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học năm 2012. Chị là mẫu hình của các nhà khoa học nữ trẻ tuổi dám dấn thân theo đuổi niềm đam mê của mình.

hoc-bong-nghien-cuu-khoa-ho.jpg
Lễ trao học bổng cho các tiến sĩ nữ có đề án khoa học xuất sắc năm 2012. TS Hà Phương Thư (thứ 3 từ trái sang)

Gia đình là nơi nhà khoa học nữ trẻ tuổi muốn tìm về

Sinh ra và lớn lên ở xứ Huế, ngay từ nhỏ, cô bé Hà Phương Thư đã được định hướng và nối nghiệp truyền thống của gia đình làm nghề dạy học. Sau khi tốt nghiệp cấp III, Thư thi đỗ vào trường Đại học Sư phạm Huế. Năm 1996, tốt nghiệp Đại học, Thư về giảng dạy tại trường THCS An Ninh Đông. Với mong muốn trau dồi kiến thức để có thể giảng dạy cho những học trò của mình tốt hơn, năm 1998, chị đã tiếp tục làm nghiên cứu sinh thạc sĩ, rồi tiến sĩ. Cũng chính trong khoảng thời gian làm nghiên cứu sinh này, chị nhận ra rằng, niềm đam mê nghiên cứu khoa học trong chị đã có tự bao giờ và nó còn lớn hơn hình mẫu về một cô giáo giỏi.

Năm 2003, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, chị Thư nhận đựơc học bổng sau tiến sĩ tại Trung tâm Năng lượng nguyên tử của Pháp.

Trước đó, trong quá trình làm nghiên cứu sinh, TS Hà Phương Thư cũng nhận được học bổng của Viện công nghệ Tokyo- Nhật Bản. Có điều kiện học tập ở các nước có nền khoa học phát triển vào bậc nhất, TS Hà Phương Thư nhận ra rằng, nền khoa học Việt Nam còn khá khiêm tốn. Khoảng thời gian này, chị cũng nhận được nhiều lời mời làm việc của các công ty nơi xứ người với những mức lương hấp dẫn và môi trường làm việc hiện đại.

Tuy nhiên, chị thấy rằng, như bao người phụ nữ Việt Nam khác, gia đình là nơi chị muốn tìm về. Hơn nữa, chị mong mỏi dùng những kiến thức thu nạp được từ những nền khoa học phát triển để đóng góp cho khoa học nước nhà. Và chị đã trở về quê hương.

Chị về làm việc tại Viện Hoá học và đến năm 2007 chị chuyển về làm việc tại Viện Khoa học Vật liệu (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Môi trường làm việc trong nước dù còn nhiều thiếu thốn, nhưng với sức trẻ, khát khao được đóng góp sức mình cho đất nước, chị đã là tác giả và là đồng tác giả của nhiều công trình nghiên cứu. Nhiều công trình nghiên cứu của chị được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín hàng đầu thế giới.

Hội đồng khoa học quốc gia L’Oreal Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học 2012

Với những đóng góp to lớn đó, năm 2012, TS Phương Thư được lựa chọn làm thành viên của Hội đồng khoa học sự sống (Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia). Hăng say trong nghiên cứu, có nhiều ý tưởng mới, táo bạo là những gì mà TS Đoàn Đình Phương- Phó viện trưởng Viện Khoa học vật liệu, Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam nói về nữ đồng nghiệp trẻ.

“Tiến sĩ Thư mặc dù tuổi đời còn trẻ nhưng đã có nhiều nghiên cứu xuất sắc, có nhiều đóng góp cho Viện và là tấm gương cho các bạn trẻ trong Viện học tập”- TS Đoàn Đình Phương cho biết.   

Làm khoa học là phải có những ý tưởng mới

Các bệnh hiểm nghèo nói chung và bệnh ung thư nói riêng đang là vấn đề quan tâm của toàn cầu. Trong khi đó, việc điều trị ung thư bằng thuốc hiện nay tuy mang đến kết quả trong việc tiêu diệt và hạn chế sự phát triển của khối u nhưng chúng đều giết chết không ít mô lành, gây nguy hại đến sức khoẻ của người bệnh sau khi điều trị. Paclitaxel là loại hoá dược chữa ung thư hữu hiệu hiện nay, nhưng cũng có nhiều tác dụng phụ lên bệnh nhân, vì vậy cần phải nano hoá để dễ tan trong nước, tăng hiệu quả chữa trị và giảm tác dụng phụ. Đề án “nghiên cứu quy trình chế tạo và đánh giá hiệu quả của hệ dẫn thuốc hướng đích cấu trúc nano lên tế bào ung thư” của TS Hà Phương Thư cũng xuất phát từ ý tưởng mới là sử dụng các vật liệu kích thước nano làm phương tiện mang các thuốc đặc trị ung thư đến khối u một cách an toàn, tiêu diệt tế bào ung thư, bảo vệ tế bào lành.

Nói về hướng nghiên cứu của mình, chị Phương Thư cho biết: “Điều trị các bệnh hiểm nghèo nói chung và ung thư nói riêng là mối quan tâm của toàn cầu. Hàng năm, tỷ lệ mắc ung thư càng tăng. Tuy nhiên, hiện nay, việc điều trị ung thư bằng thuốc hiện còn gây nhiều tác dụng phụ không mong muốn như rụng tóc, chán ăn, giảm miễn dịch của cơ thể. Đề án nghiên cứu đã có hướng đi mới là sử dụng vật liệu cấu trúc nano, điều này khiến thuốc tới đích là các tế bào ung thư, giảm chi phí, thời gian…cho người bệnh”.

Đề án này của TS Hà Phương Thư cũng đã được Hội đồng khoa học quốc gia Loreal- UNESCO Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học đánh giá cao dựa trên tính hiện đại và tính khoa học cao, hướng nghiên cứu tập trung vào những loại vật liệu tiên tiến và có thể tiếp tục nghiên cứu sâu. Đặc biệt là kết quả nghiên cứu có thể dẫn đến việc chế tạo được hệ dẫn thuốc nano đa chức năng nhằm tăng hiệu quả tác động đối với tế bào ung thư, làm giảm lượng thuốc sử dụng và tập trung vào vị trí khối u, tránh tác động đến tế bào lành. Tính hiện đại của đề tài còn thể hiện ở sự tổng hợp nhiều chức năng trong việc chế tạo ra vật liệu có kích thước nano làm phương tiện dẫn thuốc đặc trị ung thư đến khối u một cách an toàn và hiệu quả, sử dụng công nghệ nano vào trong lĩnh vực Y sinh.

Đánh giá về đề án nghiên cứu của TS Hà Phương Thư, Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu- Hội đồng khoa học quốc gia Loreal- UNESCO Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học cho biết, đây là một trong những hướng nghiên cứu hiện đại trên thế giới.

GS. VS Nguyễn Văn Hiệu cho biết: “Tôi rất mừng vì các nhà khoa học trẻ trong nước đã tiếp cận được với hướng nghiên cứu này. Khi nó được áp dụng vào thực tế sẽ mang lại những hiệu quả rất cao”.

Cái đích cuối cùng là phục vụ con người

Với những đóng góp của mình cho nghiên cứu khoa học, năm 2012, TS Hà Phương Thư là một trong ba nữ tiến sĩ trẻ được nhận học bổng quốc gia Loreal- UNESCO Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học. Đây là nguồn động viên, khuyến khích chị tiếp tục theo đuổi hướng nghiên cứu của mình khi mà chặng đường phía trước còn dài.

TS Thư chia sẻ: “Nhận được học bổng là nguồn động viên rất lớn đối với tôi. Tôi hy vọng, phụ nữ và nhất là phụ nữ làm khoa học sẽ ngày càng nhận được nhiều sự hỗ trợ của xã hội hơn nữa”.

Làm khoa học đã khó, phụ nữ làm khoa học lại càng khó hơn. Theo đuổi hướng nghiên cứu mới, khó khăn với TS Hà Phương Thư dường như lại tăng lên gấp bội. 

TS Hà Phương Thư tâm sự: “Khó khăn đầu tiên trong nghiên cứu khoa học phải kể đến là tìm ý tưởng. Nếu ý tưởng trùng lặp, không mới và không có tính thời sự thì cũng không có ý nghĩa. Cái khó trong chế tạo vật liệu, với kích thước nano là trong quá trình nghiên cứu không ra được vật liệu kích thước nano, mà có thể kích thước của nó to hơn. Một điều nữa là mặc dù hệ vật liệu của mình đã tốt nhiều nhưng nó chỉ thật sự thành công khi được ứng dụng vào thực tế”.

Những thành công đã đạt được chính là thành quả của những tháng ngày chị Thư vượt lên khó khăn trong cuộc sống, trong công việc. Chị bảo rằng, để đi được và đi tiếp trên con đường nghiên cứu khoa học, phục vụ đất nước cần lắm sự sẻ chia. Và sau lưng chị luôn có một chỗ dựa vững chắc là gia đình, là người chồng đã không chỉ cảm thông mà còn “chắp cánh” cho những những ý tưởng của chị.

“Tôi may mắn có được người chồng luôn cảm thông và sẻ chia. Chồng và gia đình cũng đã giúp mình rất nhiều trong việc hình thành ý tưởng nghiên cứu”- TS  Phương Thư bày tỏ.

Ai đó bảo rằng, làm khoa học “vừa khó vừa khổ lại vừa khô”. Nhưng với niềm đam mê nghiên cứu khoa học và luôn tâm niệm làm khoa học là phải đi đến cái đích cuối cùng là phục vụ con người, dường như cái khó, cái khổ không làm chị chùn bước./.