Đề xuất xoá các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế là doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc danh sách cổ phần hóa, giao bán, sáp nhập, sắp xếp lại do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mới được Chính phủ trình trước Quốc hội khóa XIII tại kỳ họp thứ 10. Đề xuất này nhận được sự quan tâm nhiều đại biểu quốc hội tại phiên Thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế.
“Không những không xóa nợ mà cần phải truy thu đến cùng”
Trong đề xuất xóa nợ thuế đối với DNNN để góp phần thúc đẩy thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, giao, bán, khoán, sắp xếp lại chính phủ có 3 kiến nghị. Riêng đối với kiến nghị xóa nợ thuế đối với nhóm DNNN thuộc danh sách sắp xếp lại hoặc chuyển đổi sở hữu đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy định: Doanh nghiệp hiện có số nợ thuế lớn hơn hoặc bằng số lũy kế của DNNN, được xem xét xóa nợ thuế ở mức giá trị thực tế vốn nhà nước tại doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện sắp xếp lại tại thời điểm thực hiện chuyển đổi, sắp xếp lại.
Về kiến nghị này, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) cho rằng không nên thực hiện vì lẽ, nếu xóa nợ các khoản thuế này sẽ không đảm bảo sự cạnh tranh công bằng giữa các loại hình doanh nghiệp theo tinh thần của Hiến pháp 2013.
Do đó, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, đối với các doanh nghiệp loại này, mặc dù khi chúng ta thu thuế hay cổ phần hóa, tiền đều về ngân sách nhưng làm sao phải có quy trình thực hiện minh bạch và rõ ràng hơn.
“Tôi đề nghị đối với nhóm NDNN này, không những không được xóa nợ mà còn cần phải truy thu đến cùng và làm rõ trách nhiệm khi chậm và nợ thuế lớn. Ngoài ra, chính phủ cũng cần làm rõ thông tin, với đề nghị xóa nợ thuế trong trường hợp này sẽ tương ứng với số tiền bao nhiêu để có sự cân nhắc và quyết định phù hợp với thực tế tài chính của chúng ta hiện nay”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu rõ.
Theo Luật doanh nghiệp, việc nộp thuế vẫn thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa. (Ảnh minh họa: KT) |
Theo đại biểu Hòa, về nguyên tắc khi sắp xếp lại doanh nghiệp là có thể giao cho một đơn vị này hay một đơn vị khác sáp nhập lại, nhưng đơn vị nào khi sáp nhập cũng phải kế thừa cả quyền lợi và nghĩa vụ trong đó có nghĩa vụ thuế. Cho nên đại biểu đề nghị làm rõ yếu tố này, bởi với tiêu chí này nếu không khéo sẽ bị nhập nhằng giữa các khái niệm.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Hoàng Đức Thắm (đoàn Quảng Trị) nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ủy ban TCNS về việc xóa nợ cho các DNNN để thực hiện cổ phần hóa. Tuy nhiên, việc cho phép các DNNN thực hiện xóa nợ đối với các trường hợp chuyển đổi là không nên, bởi lẽ theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, doanh nghiệp chuyển đổi đương nhiên phải kế thừa toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp trong đó có trách nhiệm phải nộp thuế.
“Nếu giờ thực hiện xóa nợ thuế cho các DNNN cổ phần hóa mà không tính được nợ, hoặc tính nợ không rõ nhưng vẫn được xóa nợ là không đúng với Luật doanh nghiệp năm 2014. Theo Luật này, việc nộp thuế vẫn thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa”, đại biểu Thắm chỉ rõ.
“Không thế hợp thức hóa hành động gian lận và trốn thuế”
Đại biểu Phùng Văn Hùng (đoàn Cao Bằng) cũng băn khoăn về đề xuất xóa nợ thuế cho các DNNN thuộc danh sách sắp xếp lại hoặc chuyển đổi sở hữu đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, các doanh nghiệp này có số nộp thuế lớn hơn hoặc bằng số lũy kế của doanh nghiệp thi được xem xét xóa nợ.
Đại biểu Hùng cho rằng, trong tình hình hiện nay đang có rất nhiều doanh nghiệp cố tình chây ỳ không chịu nộp thuế. Nợ đọng, trốn thuế đang là vấn đề hết sức nghiêm trọng trong những năm qua, nếu giờ chúng ta tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cố tình nợ thuế được xóa nợ thuế là vô hình chung đã hợp thức hóa hành động gian lận và trốn thuế.
Do đó đại biểu Phùng Văn Hùng đề xuất, trong điều kiện chúng ta phải bắt buộc cổ phần hóa, lấy lý do đó để xem xét xóa nợ thuế cho các doanh nghiệp là không hợp lý, bởi chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp lợi dụng chính sách này để trốn tránh trách nhiệm hình sự.
“Đây là một vấn đề lớn. Rất có thể trong quá trình sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp trốn thuế hàng nghìn tỷ đồng, nếu điều tra ra rất có khả năng phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Nay nhà nước quy định xóa nợ thuế của các doanh nghiệp như vậy sẽ không xử lý được trách nhiệm của nhiều tập thể, cá nhân đã gây ra thất thu lớn, những tập thể cá nhân như vậy nghiễm nhiên là có thể thoát tội. Do đó rất cần phải cân nhắc với đề xuất này”, đại biểu Phùng Văn Hùng khăng định.
Nhấn mạnh sự thất thoát tiền của, vốn của các DNNN trong những năm qua là rất lớn, đại biểu Hùng cho rằng, nếu sau đây chúng ta thực hiện theo đề xuất này, nghiễm nhiên tiền nhà nước sẽ mất nhưng trách nhiệm của các tập thể, cá nhân cũng sẽ không được xử lý và điều này sẽ không nhận được sự đồng tình, ủng hộ của xã hội cũng như đông đảo cử tri./.