Bộ Tài chính vừa hoàn tất trình Chính phủ Dự thảo Thông tư hướng dẫn xóa nợ tiền thuế, tiền phạt không có khả năng thu hồi phát sinh trước thời điểm 1/7/2007.
Theo đó hơn 500.000 hộ cá nhân và gần 1.400 doanh nghiệp nhà nước đã giải thể sẽ được xóa nợ thuế. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Đình Cư, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Tư vấn thuế Việt Nam.
PV: Theo dự thảo Thông tư hướng dẫn về xóa nợ tiền thuế, tiền phạt không có khả năng thu hồi phát sinh trước ngày 1/7/2007, hàng trăm nghìn hộ kinh doanh và doanh nghiệp sẽ được xóa nợ. Xin ông cho biết cụ thể về vấn đề này?
Nợ thuế hình thành một cách khách quan trong quá trình quản lý thuế. Trong tình huống các doanh nghiệp gặp phải khó khăn tài chính khi có khủng hoảng kinh tế hoặc những khó khăn do khách quan dẫn tới việc doanh nghiệp không hoàn thành được nghĩa vụ thuế một cách kịp thời đầy đủ phát sinh nợ thuế.
Đối với cá nhân hộ gia đình thì cũng có thể phát sinh những khoản nợ thuế, có khoản không thu hồi được khi hộ gia đình kinh doanh gặp những khó khăn khách quan như khi người ta ốm đau, bệnh tật.
PV: Theo đánh giá của ông thì việc xóa nợ thuế như vậy có gây ra sự bất bình đẳng với các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ nộp thuế không, thưa ông?
Ông Nguyễn Đình Cư:Theo tôi, với các đối tượng được xem xét khoản nợ thuế, thuế phát sinh trước ngày 1/7/2007 như trong Dự thảo thông tư của Bộ Tài chính báo cáo thủ tướng Chính phủ thì có thể khẳng định được rằng, các khoản nợ thuế này đều phát sinh một cách khách quan trong hoàn cảnh đặc biệt và cho đến nay không còn đối tượng để thu hồi.
Nhìn chung thì chỉ các doanh nghiệp khi cổ phần hóa đang bị lỗ mới thuộc diện được xóa nợ thuế. Việc xóa nợ thuế có một ý nghĩa tích cực là tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các công ty cổ phần hình thành từ doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa không phải gánh chịu những khoản khó khăn, những khoản lỗ mà do doanh nghiệp trước đó gây ra.
Mặt khác, xét về khía cạnh công bằng xã hội, thì nhà nước không thể bắt các doanh nghiệp, các công ty cổ phần ra đời từ các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa phải chịu các khoản nợ thuế mà không do họ tạo ra.
Đối với cá nhân và hộ gia đình kinh doanh cũng như vậy, khi mà cá nhân người kinh doanh đang ốm đau và chết không còn kinh doanh nữa thì không thể bắt những người cá nhân hay người thân liên quan của họ như là vợ con phải trả thay thuế cho họ.
PV: Ông có cho rằng cách làm này sẽ tạo tiền lệ xấu đối với doanh nghiệp hay không?
Ông Nguyễn Đình Cư:Nếu chúng ta nghiên cứu kỹ lưỡng Luật Quản lý thuế thì sẽ thấy quy định về xóa nợ thuế rất hạn chế về đối tượng và quy định rất chặt chẽ, có sự trao đổi và lấy ý kiến mạnh mẽ của các Bộ, Ngành, các tổ chức nghề nghiệp đại diện cho doanh nghiệp và người nộp thuế trong cả nước cho nên không có kẽ hở và cho việc lợi dụng việc này như một tiền lệ.
Việc thực hiện hướng dẫn mới sẽ đạt mục tiêu làm lành mạnh công tác quản lý thuế, nợ thuế của các cơ quan quản lý thuế, giải quyết các tồn tại vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, hộ gia đình, tạo điều kiện khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh và làm lành mạnh hóa đời sống kinh tế xã hội.
PV: Theo ông, công tác quản lý thuế cần bổ sung cơ chế chính sách như thế nào để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo nguồn thu cho nhà nước?
Ông Nguyễn Đình Cư:Theo tôi, hệ thống pháp luật quản lý thuế cần phải củng cố, hoàn thiện các văn bản pháp luật theo hướng minh bạch rõ ràng, hạn chế quy định không cụ thể gây khó hiểu cho người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế.
Chi tiết hóa tối đa các quy định tại Luật và Nghị định và hạn chế đưa các nội dung chi tiết xuống cấp thông tư, chấm dứt tình trạng thông tư hướng dẫn mở rộng hoặc thu hẹp hơn đối với Nghị định hoặc là có những công văn của Bộ và Tổng cục hướng dẫn mở rộng hơn thông tư.
Cần tăng cường hiểu biết của người nộp thuế về pháp luật thuế và nghĩa vụ nộp thuế. Xác định việc tuyên truyền về thuế không chỉ là trách nhiệm của riêng cơ quan quản lý thuế mà phải huy động sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước khác.
Kinh nghiệm quốc tế từ các nước phát triển cũng như các quốc gia trong khu vực cho thấy một hệ thống rộng lớn các đại lý thuế, tư vấn thuế hoạt động độc lập sẽ giúp cho người nộp thuế tuân thủ đầy đủ, chính xác nghĩa vụ thuế, giảm chi phí quản lý của cơ quan thuế, hạn chế những sai sót và vi phạm, giảm nợ đọng thuế phát sinh.
PV: Xin cảm ơn ông!./.