Dự cuộc làm việc có ông Freek Van Eijk, Giám đốc HCH và ông Arnoud Passenier, cố vấn chiến lược về kinh tế tuần hoàn thuộc Bộ Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan.

Khái niệm “kinh tế tuần hoàn” được đề cập trong một số nghiên cứu từ những năm 1970, được chính thức bàn thảo tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vào năm 2012 trước những áp lực từ sự hữu hạn của nguồn nguyên liệu, năng lượng, từ xuống cấp của môi trường cũng như biến đổi khí hậu.

Chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính (linear economy) sang kinh tế tuần hoàn (circular economy) trở thành xu thế của thời đại. Hà Lan là nước nhỏ, ít tài nguyên, chịu nhiều thách thức của môi trường và biến đổi khí hậu nên càng phải chuyển đổi và nhanh chóng nhận ra kinh tế tuần hoàn không chỉ tốt cho môi trường, hệ sinh thái, tiết kiệm tài nguyên, mà còn tạo ra nhiều sản phẩm mới, việc làm, cơ hội kinh doanh. Do vậy, năm 2015, Chính phủ Hà Lan đã xây dựng chiến lược tổng thể để đạt mục tiêu “kinh tế tuần hoàn” vào năm 2050.

Tư duy kinh tế tuần hoàn của Hà Lan xoay quanh khái niệm "tái": Tái chế, tái sản xuất, tái phục hồi (sửa chữa), tái sử dụng để sản phẩm hoặc nguyên nhiên liệu được xoay vòng sử dụng tiếp trong nhiều chu kỳ và giảm tối thiểu phát thải. Vốn có tư duy tiết kiệm, Hà Lan đang huy động được sự tham gia của hầu hết toàn xã hội nên đã đạt được tỷ lệ tuần hoàn 24,5% của cả nền kinh tế và đang đứng đầu châu Âu về số lượng bằng sáng chế phục vụ kinh tế tuần hoàn.        

HCH đã được thành lập năm 2016, hoạt động theo cơ chế đối tác – tư (PPP) với vai trò cầu nối giữa  các chủ thể và các nguồn lực của Hà Lan và với nước ngoài để chia sẻ ý tưởng, kinh nghiệm, kiến thức, mô hình thực hiện kinh tế tuần hoàn…và góp phần thúc đẩy vai trò đi đầu của Hà Lan trong bảo vệ môi trường, phát triển bền vững vằng kinh tế tuần hoàn. 

Chỉ với 14 biên chế cơ hữu tại Hà Lan, HCH đã hợp tác và “có mặt” tại khá nhiều quốc gia, trong đó có một số dự án nghiên cứu phối hợp với Đại sứ quán Hà Lan tại Hà Nội nhằm đánh giá về tiềm năng và giải pháp chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn, tại Việt Nam (như hệ thống thu rác thải nhựa Interceptor trên sông ở Cần Thơ).

HCH đánh giá cao những thuận lợi của Việt Nam trong chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn, đặc biệt ở mô hình lãnh đạo điều hành tập trung của chính phủ, tinh thần khởi nghiệp, thói quen sửa chữa, tái chế, tái sử dụng của người Việt. HCH tin tưởng có nhiều tiềm năng hợp tác với Việt Nam và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm./.