Hiện không chỉ doanh nghiệp Việt Nam mà toàn thế giới, trong thảm họa Covid đang định hình lại con đường phát triển của mình. Chiến lược phát triển bền vững, thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn là một sự lựa chọn.
Theo các chuyên gia kinh tế, nếu tiếp tục phát triển theo nền kinh tế tuyến tính dựa vào vốn tài nguyên - sản xuất - tiêu dùng - thải bỏ, thì dù có đạt được thành quả tăng trưởng cao, Việt nam sẽ phải đối mặt với thảm họa về tài nguyên, thảm họa về môi trường.
Các số liệu thống kê từ Global Footprint Network cho thấy, thời gian con người khai thác cạn mức tài nguyên nên dùng trong năm đang ngày một ngắn lại. Con người đã “rút cạn” tài nguyên thiên nhiên với tốc độ nhanh gấp 1,6 lần khả năng tái tạo. Trong 20 năm qua, thời hạn này đã bị rút ngắn thêm 2 tháng. Đến tháng 8 năm ngoái, Việt nam đã tiêu thụ hết năng lượng tự nhiên có thể tái tạo trong năm 2020 của trái đất.
Để thực hiện được định hướng về kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có sự nỗ lực của mọi thành phần trong xã hội, doanh nghiệp là động lực trung tâm, nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt và cộng đồng tham gia thực hiện.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, kinh tế tuần hoàn vừa tạo năng lực đổi mới sáng tạo, năng suất mới cho kinh tế Việt Nam, vừa phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Kinh tế tuần hoàn giải quyết bài toán trước đây mà Việt Nam hay nói là đánh đổi, làm cho hiệu quả gắn với bền vững, gắn với xanh hơn. Trong khi công nghệ đang chuyển đổi rất nhanh, năng lực tái tạo, chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả, tối ưu hóa việc sử dụng vật chất, khí thải. Một điều quan trọng nữa là tăng trưởng xanh, mô hình kinh tế tuần hoàn chính là công cụ đóng góp cho GDP, đóng góp cho ngân sách, tạo thu nhập cho người lao động tốt hơn, giảm phí tổn vật chất trong quá trình sản xuất kinh doanh”, Tiến sĩ Võ Trí Thành chỉ rõ./.