Về nhận thức
Kinh tế tuần hoàn (KTTH) là khái niệm được sử dụng lần đầu vào năm 1990, bởi đồng tác giả (Pearce, Turner) cuốn sách có tên “Kinh tế Tài nguyên và Môi trường”. Đến nay, tuy vẫn có những tài liệu đưa ra các khái niệm khác nhau do cách tiếp cận từ các góc độ nghiên cứu và ứng dụng có tính đặc thù riêng.
Tuy nhiên, từ góc độ nền kinh tế, khái niệm KTTH có thể được hiểu là “Mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường”. Sự tuần hoàn thể hiện trong tái sử dụng, thông qua chia sẻ, sửa chữa, tân trang, tái chế, tái sản xuất…tạo lập các vòng lặp khép kín, nhằm giảm tối thiểu nguyên liệu đầu vào, lượng phế thải, khí thải và độ ô nhiễm.
Nền KTTH thực chất là kéo dài thời gian sử dụng các sản phẩm, trang thiết bị và cơ sở hạ tầng nhằm tăng năng suất của các tài nguyên. Các “phế thải” của quy trình sản xuất-tiêu dùng này, được xem như nguyên vật liệu của các quy trình sản xuất-tiêu dùng khác, bất kể đó là sản phẩm chính, phụ hay tài nguyên được thu hồi.
Theo giới nghiên cứu, trong mỗi nền kinh tế, vốn, lao động, khoa học, công nghệ, tài nguyên được xác định là những yếu tố đầu vào quan trọng của quá trình tái sản xuất (theo nghĩa rộng: sản xuất-phân phối-trao đổi-tiêu dùng) đều tạo ra chất thải vào môi trường. Để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của nền kinh tế cần phải giảm đến mức thấp nhất chất thải ra môi trường.
Vì thế, KTTH được mô tả là hệ thống kinh tế dựa vào các mô hình kinh doanh không có sự “kết thúc vòng đời” bằng việc giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi các nguyên liệu trong các quá trình tái sản xuất ở các cấp độ từ vi mô đến vĩ mô, đáp ứng sự thịnh vượng về kinh tế, công bằng xã hội, bảo đảm lợi ích của hiện tại và tương lai.
Về thời cơ và thách thức
Việt Nam là một quốc gia đang hội nhập ngày càng sâu, rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu, các hiệp định FTA phần lớn là thế hệ mới, đều có các điều khoản quy định về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và bắt buộc các bên phải tuân thủ các tiêu chuẩn phát chất thải, khí thải.
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) hồi đầu năm 2020, WEF đã ra lời kêu gọi “Thế giới đang cần một nền KTTH. Hãy giúp chúng tôi biến điều đó thành hiện thực”. Đây chính là tiền đề thúc đẩy Việt Nam gia tăng tốc độ chuyển đổi sang KTTH với những thời cơ và thuận lợi cơ bản sau đây:
(1) KTTH là xu hướng chung, tất yếu có tính toàn cầu đã được chứng minh thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới như: Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Canada, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore... Vì thế, trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta khẳng định: “Phát triển bền vững là xu thế bao trùm trên thế giới; kinh tế số, KTTH, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn”
(2) Việc chuyển đổi mô hình “kinh tế truyền thống” sang “KTTH” sẽ góp phần phát triển nhanh và bền vững như định hướng mà Văn kiện Đại hội XIII nêu ra là, “Phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, các bon thấp; khuyến khích phát triền mô hình KTTH để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình tái sản xuất”
(3) Đảng ta còn chỉ rõ: “Đẩy nhanh chuyển đổi số đối với một số ngành, lĩnh vực đã có điều kiện, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ứng dụng và phát triển công nghệ mới, ưu tiên công nghệ số, kết nối 5G và sau 5G, AI, blockchain, in 3D, IoT, an ninh mạng, năng lượng sạch, công nghệ môi trường để chuyển đổi, nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế”. Vì thế, KTTH là cơ hội lớn để tăng trưởng nhanh và bền vững.
(4) Trước áp lực của sự thiếu hụt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, lượng chất thải lớn, nhất là chất thải nhựa… thì chỉ có giải pháp hiệu quả là sớm triển khai phát triển KTTH. Bởi chúng ta đang cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, là một nước có nền kinh tế lạc hậu, việc chuyển đổi sang nền KTTH cũng đang đặt ra những thách thức không nhỏ:
- Về nhận thức: KTTH được thực hiện từ thiết kế đến triển khai, trong các ngành, lĩnh vực, đối với từng doanh nghiệp, người dân và các cấp quản lý, lãnh đạo… để tạo ra sự đồng thuận chung là thách thức lớn nhất cần phải vượt qua.
- Về nguồn lực: KTTH đòi hỏi phải gắn với đổi mới khoa học, tiếp cận công nghệ tiên tiến. Đồng thời phải có đội ngũ chuyên gia giỏi, để giải quyết tốt các vấn đề từ khâu đầu đến khâu cuối của cả quá trình tái sản xuất. Hiện nay những chuyên gia này ở nước ta chưa được đào tạo và cũng chưa có chuyên ngành đào tạo.
- Về khung pháp lý: Việt Nam hiện còn thiếu các cơ chế chính sách, luật pháp và bộ tiêu chí để nhận diện, đánh giá, tổng kết và đưa ra phân loại chính xác mức độ phát triển của KTTH, đây cũng là thách thức lớn cần phải vượt qua.
- Về doanh nghiệp đầu tàu: Việt Nam còn thiếu các doanh nghiệp đủ năng lực công nghệ về tái chế, tái sử dụng các sản phẩm đã qua sử dụng; khó thay đổi thói quen sản xuất và tiêu dùng của toàn xã hội.
- Về lợi ích và động lực kinh tế: KTTH là đỉnh cao của cách tiếp cận hướng đến phát thải bằng 0, đòi hỏi sự phối hợp chia sẻ thực sự gắn với lợi ích kinh tế, do vậy việc sử dụng động lực kinh tế, cơ chế thị trường để gắn kết các bên liên quan nhằm thực hiện KTTH cũng là thách thức lớn cần vượt qua.
Kiến nghị
Một là, Nhà nước cần sớm xây dựng hành lang pháp lý cho sự hình thành, phát triển KTTH. Theo đó, cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường; quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất, phân phối trong việc thu hồi, phân loại và tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra; thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường tương đương với nhóm các nước tiên tiến trong khu vực.
Hai là, cần sớm triển khai nghiên cứu sâu rộng về phát triển KTTH từ cách tiếp cận toàn cầu, nguyên tắc xác lập theo ngành, vùng, lĩnh vực; triển khai mô hình, tiêu chí cụ thể cho nền KTTH, qua đó lựa chọn vận dụng cụ thể vào hoàn cảnh thực tiễn địa phương và phổ biến đến doanh nghiệp, người dân, nhà quản lý để có sự nhìn nhận đúng đắn.
Ba là, phát triển KTTH cần phải dựa trên các ngành, lĩnh vực và địa phương đã và đang triển khai các mô hình kinh tế gần với cách tiếp cận KTTH, từ đó bổ sung hoàn thiện và có sự lựa chọn phù hợp cho từng ngành, lĩnh vực từ thí điểm đến triển khai nhân rộng.
Bốn là, cần tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, nhất là các quốc gia đã và đang thực hiện thành công KTTH, từ đó chuyển giao và áp dụng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, nhất là các nước đã ký kết hiệp định FTA thế hệ mới.
Năm là, cần có lộ trình và ưu tiên trong phát triển KTTH dựa trên nhu cầu thị trường và đòi hỏi của xã hội. Đối với nước ta, ưu tiên trước hết là chất thải nhựa và túi nilon phải thực hiện và đưa vào kế hoạch 5 năm tới để giải quyết triệt để, giảm thiểu tối đa phát thải ra môi trường.
Sáu là, cần sớm triển khai phân loại rác tại nguồn và rác sau khi phân loại phải được thu gom, làm sạch, vận chuyển đưa vào tái sử dụng, tái chế. Động thái trên phải trở thành yêu cầu bắt buộc, tiêu chí đánh giá văn hóa đối với người dân.
Như vậy, KTTH là một hệ thống trong đó các tài nguyên được tận dụng lại hoặc tái sử dụng, phế liệu trở thành yếu tố đầu vào tiếp tục quá trình tái sản xuất, cùng với tiến bộ công nghệ và nhu cầu ngày càng tăng trong bối cảnh các nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày cành hữu hạn.
Vì thế, việc nhận thức quán triệt sâu sắc những định hướng phát triển KTTH trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là phù hợp với nhu cầu phát triển tất yếu khách quan có tính quy luật. Đồng thời còn có ý nghĩa rất quan trọng để đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng sớm đi vào cuộc sống thực tiễn./.