Trong chương trình làm việc sáng nay (25/6), các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã tiển hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.

Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của ĐBQH về dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, tính đến hết ngày 18/6, Đoàn Thư ký đã nhận được 421 bản ý kiến góp ý về dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, trong đó, có 386 ý kiến đồng ý hoàn toàn với dự thảo Nghị quyết, 1 ý kiến không đồng ý, 34 bản có ý kiến một số vấn đề cụ thể.

Đối với việc thu hồi đất phục vụ dự án, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nêu rõ các mặt thuận lợi và khó khăn trong phương án thu hồi toàn bộ 5.000 ha đất và phương án thu hồi 2.750 ha đất xây dựng Cảng. Trên cơ sở cân nhắc toàn diện các vấn đề, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội quyết định cho thu hồi toàn bộ diện tích 5.000 ha theo quy hoạch.

dsc_0689_abfs.jpg
Tỷ lệ đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.
Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã tiếp thu ý kiến của các ĐBQH đề nghị làm rõ việc Chính phủ chỉ đạo lập Báo cáo nghiên cứu khả thi từng giai đoạn của Dự án báo cáo Quốc hội thông qua trước khi quyết định đầu tư.

Trong giai đoạn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án để Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, dự thảo Nghị quyết chỉ đề cập nguồn vốn cho Dự án gồm vốn Ngân sách Nhà nước, vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật. Tỷ lệ cụ thể của từng nguồn vốn sẽ được xác định rõ hơn ở bước lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đối với từng giai đoạn của Dự án và sẽ được Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua trước khi quyết định đầu tư.

Dự án cảng hàng không Quốc tế Long Thành là dự án có quy mô lớn, chia làm 3 giai đoạn, thời gian thực hiện kéo dài nhiều năm, đây mới là bước lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, các yếu tố giá cả vật liệu, nhân công, thiết bị có thể thay đổi. Do vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng cần thiết ghi rõ áp dụng đơn giá của năm 2014 để khi có biến động tăng, giảm trên thị trường thì có cơ sở để điều chỉnh.

Trong quá trình đầu tư xây dựng Dự án cảng hàng không Quốc tế Long Thành, tiếp tục khai thác có hiệu quả Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Diện tích và công năng của Sân bay Tân Sơn Nhất để phục vụ cho các hoạt động của Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất vẫn được giữ và tiếp tục nâng cấp, mở rộng theo quy hoạch.

Đối với những ý kiến đề nghị bổ sung một điều quy định Kiểm toán nhà nước báo cáo Quốc hội sau mỗi giai đoạn thực hiện theo lộ trình, Ủy ban thường vụ Quốc hội khẳng định, các nội dung kiểm toán phải tuân thủ Luật Kiểm toán nhà nước, kế hoạch kiểm toán các dự án, công trình hàng năm được báo cáo Quốc hội trước khi thực hiện.

Theo quy định của Luật bảo vệ môi trường năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2015), đối với Dự án cảng hàng không Quốc tế Long Thành phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường gửi cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định và phê duyệt. Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết, hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo tiến hành lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật.

Biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, với có 461 ĐBQH tham gia biểu quyết (chiếm 93,32% tổng số ĐBQH). Đã có 428 ĐBQH (86,64%) biểu quyết thông qua; 17 ĐBQH (3,44%) biểu quyết không tán thành, có 16 ĐBQH không biểu quyết (3,24%).

Với kết quả biểu quyết như trên, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII đã chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành./.