Tiếp đó, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu sẽ trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu về dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành để các Đại biểu Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư xây dựng dự án.
Trong những ngày qua, nhiều Đại biểu Quốc hội đã bày tỏ ý kiến về chủ trương xây dựng dự án đặc biệt quan trọng này. Bên ngoài kỳ họp, nhiều nhà quản lý, giới chuyên gia cũng đặc biệt quan tâm đến tiến trình của dự án.
TS khoa học Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới cho rằng, nếu hiệu quả kinh tế của sân bay Long Thành theo tính toán là đúng, nhà nước chỉ cần đầu tư rất ít. Nếu tư nhân sẵn sàng đầu tư vào dự án này trong khoảng 80% tổng số vốn thì có thể làm ngay, bởi tư nhân họ tính hiệu quả rất tốt, nếu đã bỏ tiền đầu tư vào dự án này họ sẽ phải tính toán rất kĩ. Nhưng khi dự án không thể thực hiện được bằng nguồn xã hội hóa, vốn xây dựng vẫn phải dựa chủ yếu vào Chính phủ thì cần phải cân nhắc thời điểm thực hiện.
“Tôi đồng tình với chủ trương xây dựng sân bay nhưng đề án phải có căn cứ thuyết phục hơn. Đề án phải giải thích rõ rằng, sân bay này là sân bay của cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, không tranh chấp gì với sân bay Tân Sơn Nhất hay sân bay Biên Hòa. Nếu cứ dựa trên luận điểm như hiện nay thì tính thuyết phục của đề án là rất thấp”, ông Võ Đại Lược nói.
Thiết kế Cảng hàng không Quốc tế Long Thành. (Ảnh: CAAV) |
“Nếu đầu tư dự án sân bay Long Thành đắt nhưng mang lại lợi ích kinh tế vô cùng lớn thì rất nên làm. Thế giới người ta thường phân tích chi phí lợi ích chứ không tính chi phí lợi nhuận. Trong chi phí là phải tính toàn bộ vòng đời của dự án, không chỉ tính chi phí xây dựng. Nhiều khi chi phí xây dựng rẻ nhưng chi phí quản lý trong suốt vòng đời dự án rất đắt”, TS. Phạm Sỹ Liêm cho biết.
Là địa phương được chọn là địa điểm để thực hiện dự án sân bay Long Thành, ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBDN tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh đã tổ chức thăm dò, khảo sát và lấy ý kiến toàn bộ các tổ chức cơ sở, kể cả các cơ sở tôn giáo… Đến thời điểm này toàn bộ người dân và các tổ chức trong khu vực quy hoạch dự án đều đồng thuận với chủ trương xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Hiện tỉnh Đồng Nai cũng đã tổ chức quy hoạch 2 khu tái định cư để phục vụ việc di dời cho người dân, mỗi khu có diện tích khoảng 282 ha đều ở các vị trí gần các khu công nghiệp, trường học, bệnh viện…tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai cũng đã tổ chức thăm dò nguồn nhân lực sẽ đến tuổi lao động cũng như những đối tượng có nhu cầu chuyển đổi công việc. Đồng thời thành lập tổ công tác để tổ chức đào tạo nghề, làm việc với các khu công nghiệp khảo sát nhu cầu lao động để đưa ra chính sách đào tạo và chuyển đổi nghề nghiệp, nhằm ổn định đời sống và việc làm cho người dân.
“Qua khảo sát cho thấy, 100% người dân trên địa bàn đều đồng thuận và có mong muốn dự án nhanh chóng được triển khai. Phát triển kinh tế quan trọng nhất là phát triển hạ tầng, xây dựng sân bay sẽ là khởi đầu tốt cho phát triển giao thông đi cùng với du lịch và kêu gọi đầu tư. Sân bay Long Thành là cơ hội phát triển cho đất nước, cho cả vùng trong đó có tỉnh Đồng Nai”, ông Vĩnh chia sẻ.
Theo Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, việc xây dựng một sân bay quốc tế Long Thành hiện đại là điều cần thiết, nhưng nó phải được triển khai một cách với một lộ trình thích hợp, tương xứng với khả năng của đất nước. Trong đó luôn phải coi trọng chất lượng, hiệu quả lên hàng đầu.
“Vấn đề đặt ra không phải là chủ trương có đúng hay không mà quan trọng là cách làm như thế nào. Ngay cả khi Quốc hội có thông qua chủ trương về xây dựng sân bay Long Thành, điều cực kỳ quan trọng là những công việc phải làm tiếp theo với những điều kiện đặt ra và những chuẩn mực cần thiết, những tiêu chí phải được định rõ để cho chủ trương ấy trở thành hiện thực, đạt được yêu cầu đề ra”, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa bày tỏ./.