Trong phiên thảo luận về chủ trương xây dựng Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đa số các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, việc đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành là một quyết định đúng đắn và cần thiết, nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước, tạo lập môi trường và hệ thống giao thông đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Qua quá trình thảo luận, một vài ý kiến phân tích của các đại biểu còn một số băn khoăn về khả năng sinh lợi, suất đầu tư, hình thức đầu tư cũng như mức ảnh hưởng của dự án đến nợ công. Các đại biểu lưu ý, trong báo cáo nghiên cứu khả thi sau khi đã có chủ trương, dự án cần tính toán chi tiết và cụ thể, làm rõ hơn hiệu quả về mặt kinh tế trong quá trình đầu tư và khai thác.

Biểu quyết thông qua từng giai đoạn của dự án

Thảo luận về hiệu quả kinh tế, Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM còn một số băn khoăn về chỉ số tỷ suất sinh lợi nội hoàn của dự án này.

Theo báo cáo đầu tư (tiền khả thi), chỉ số tỷ suất sinh lợi nội hoàn lên đến 24,5%, đây là con số quá cao trong khi mức bình quân xã hội hiện nay chỉ có 10-12%, nếu được tính bằng USD với chỉ số lãi suất liên ngân hàng của đồng USD hiện nay không quá 1%, lãi suất vay USD trên thị trường hiện nay từ 3-4%.

qh4_gpba.jpg
Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM.

Tuy nhiên, Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng vì đây là một báo cáo nghiên cứu tiền khả thi nên số liệu này có thể chấp nhận được. Khi làm báo cáo lập dự án đầu tư (khả thi), Ban soạn thảo cần tính thêm chi tiết và độ nhạy của dự án trong đó có lưu ý đến biến động về kinh tế, chính trị, thế giới hiện nay.

Đánh giá về tác động của dự án đối với nợ công, theo báo cáo nêu ra với mức tác động của dự án đến nợ công tổi đa chỉ vào khoảng 0,28% GDP, ảnh hưởng đến nợ công của dự án là không đáng kể. Đại biểu Ngân cho rằng, ngân sách có thể chịu đựng được với mức đầu tư dự kiến tham gia khoảng 12.149 tỷ đồng được chia làm 3 năm, mỗi năm khoảng 4.000 tỷ đồng, chỉ chiếm 2% trong khoảng chi 200.000 tỷ đồng hàng năm cho đầu tư phát triển.

 “Với số nợ công theo báo cáo của Chính phủ tính lan tỏa làm GDP các địa phương tăng lên sẽ góp phần làm GDP của cả nước tăng theo thì tỷ lệ nợ công có thể giảm chứ không tăng”, Đại biểu Trần Hoàng Ngân phân tích.

Về tổng mức đầu tư cũng như vấn đề phân kỳ đầu tư. Đại biểu Ngân cho rằng, sau khi rà soát tiết kiệm, tổng mức đầu tư toàn dự án đã giảm đi nhưng lại có phần tăng thêm trong việc giải tỏa, đền bù cho khoảng 2.250 ha đất của cả dự án cũng như phân kì thực hiện ở giai đoạn 1.

“Tôi đề nghị phần này nên xem xét thêm việc tách ra làm hai để làm rõ trong nghị quyết. Chúng ta giải tỏa đền bù sẽ có ưu điểm giải phóng quy hoạch treo làm khổ dân, nhưng cũng phải chú ý đến việc, sau này khi giao đất sạch lại cho các doanh nghiệp khác khai thác phải thông qua hình thức đấu thầu vì đấu thầu mới lấy lại nguồn thu của ngân sách nhà nước một cách tốt nhất”, Đại biểu Trần Hoàng Ngân lưu ý.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng khẳng định: “Qua phân tích, chúng tôi đồng ý chỉ thông qua chủ trương đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành ở giai đoạn 1, vì nếu chúng ta đồng ý cả 3 giai đoạn tức là toàn bộ dự án, theo Điều 39 của Luật đầu tư công, sau này Quốc hội không biểu quyết mà chỉ có Thủ tướng quyết định. Cho nên đề nghị hãy để giai đoạn 2, giai đoạn 3 cho Quốc hội khóa XV, khóa XVI biểu quyết sẽ phù hợp hơn”.

Hạn chế vốn vay ODA tăng đầu tư PPP

Về nguồn vốn đầu tư của dự án, Đại biểu Lê Văn Học, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đánh giá, trong giai đoạn 1, cơ cấu vốn đầu tư từ nguồn ODA chiếm 26,5% sẽ có liên quan trực tiếp đến việc gia tăng gánh nặng cho nợ công và giá thành của dự án.

Đại biểu Lê Văn Học lưu ý, điều kiện để vay vốn ODA là thông qua quyền tư vấn thiết kế để quy định quy mô, công suất, kết cấu, công năng, công nghệ thi công, vật liệu sử dụng. Nước cấp vốn cũng quy định dự án phải sử dụng 30% vật tư, thiết bị cho công trình, đây là những yếu tố quyết định tổng chi phí của dự án, trong khi những vật liệu, vật tư và thiết bị thi công đều có thể khai thác ngay trong nước. Những điều này đã làm cho suất đầu tư trở nên rất cao.

Đại biểu Lê Văn Học chỉ rõ: “Đề nghị Chính phủ khi lập dự án khả thi giai đoạn 1 cần rà soát, xem xét chặt chẽ từng hạng mục để tiết kiệm kinh phí đầu tư, tránh đội giá triển khai, tránh để nước ngoài và đặc biệt là nước cấp ODA lợi dụng làm tăng giá thành, thử nghiệm công nghệ mới, vật liệu mới nhằm trục lợi. Tiết kiệm được 1 triệu USD của từng hạng mục nhỏ trong dự án là rất quý trong hoàn cảnh đất nước còn rất nghèo, vốn rất hạn chế, biết bao công trình hạ tầng đang cần và cũng rất cấp bách không kém”.

Đối với hình thức đầu tư cho dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Đại biểu Nguyễn Quốc Bình, Đoàn Đại biểu TP Hà Nội khuyến nghị, cần lựa chọn hình thức đầu tư PPP là chủ yếu. Khi đó nhà nước và doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế cùng đầu tư. Trong khi Nhà nước có đất đai, hạ tầng, nhân lực... nhà đầu tư có vốn, công nghệ, mạng lưới, quan hệ, trình độ quản lý, vận hành, khai thác. Đây là phương án tốt nhất vì sẽ phát huy được thế mạnh của cả hai bên và tăng tính hiệu quả toàn diện cho dự án.

“Kết hợp 2 hình thức ODA và PPP, trong đó hình thức PPP chiếm tỷ trọng chủ yếu là một sự lựa chọn phù hợp trong tình hình thực tế của dự án hiện nay giai đoạn 1. Nhưng trong giai đoạn II, giai đoạn III, cần tăng tỷ trọng đầu tư PPP và giảm ODA hơn nữa so với giai đoạn I để đảm bảo thời gian và tính khả thi cho dự án”, Đại biểu Nguyễn Quốc Bình phân tích./.