Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết như vậy khi trao đổi với báo chí về tình hình kinh tế-xã hội từ nay đến cuối năm bên lề kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII.

PV: Thưa Phó Thủ tướng, trong bức tranh kinh tế Việt Nam  hiện nay, điểm sáng nào là nổi bật nhất?

PTT Vũ Văn Ninh: Tiêu thụ hàng hóa của thế giới đều thấp. Nhưng sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam chủ yếu xuất những hàng thiết yếu cho xã hội nên vẫn tiêu thụ được. Đó là lợi thế của mình. Xuất khẩu năm nay đặt mục tiêu 10% nhưng tăng trưởng có khả năng trên 16%. Hy vọng, sang năm mình đặt chỉ tiêu và tăng trưởng cuối năm có dấu hiệu khá hơn, chưa dám nói phục hồi. Cơ cấu tín dụng cho xuất khẩu và nông nghiệp vẫn tăng khá.

pho%20thu%20tuong%20vu%20van%20ninh.jpg
Xuất khẩu và nông nghiệp đang là thế mạnh của Việt Nam (ảnh V,H)

PV:Bên cạnh những điểm sáng thì các chuyên gia lo ngại về tồn kho và nợ xấu. Chính phủ đã có giải pháp gì tháo gỡ những vấn đề này, thưa Phó Thủ tướng?

PTT Vũ Văn Ninh:Chính phủ đang tập trung để xử lý nợ xấu, giải quyết thanh khoản cho nền kinh tế và thanh khoản của NH. Nếu giải quyết được vấn đề này một cách tương đối thì mới xử lý được các vấn đề khác. Hiện tín dụng cho bất động sản đang khó khăn nhất. Nếu gỡ được thì sẽ giải quyết được vấn đề tồn kho. Nói chung bài toán khá phức tạp, cho nên phải phân tích để có lựa chọn.

Chính phủ cũng đang tháo gỡ khó khăn cho DN bằng việc giãn thuế, nhờ đó có những DN đã vượt lên được. Tôi cho rằng, bản thân DN cũng phải tính toán, cơ cấu lại. Tất nhiên trong khó khăn, có những DN làm ăn không căn bản, không bền vững có thể rơi vào tình trạng phá sản, giải thể. Nhưng có những DN khó khăn tạm thời thì có thể vượt qua được.

 PV:Gỡ tín dụng bất động sản, chính phủ dự kiến thế nào, thưa Phó Thủ tướng?

PTT Vũ Văn Ninh:Bây giờ phải phân tích cụ thể từng khoản chứ không thể nói chung được. Từng khoản nợ xấu, có những khoản đang từ tốt chuyển thành xấu thì phải xem xu hướng phát triển của nó để gỡ. Hiện nay, theo chỉ số báo cáo hàng tồn kho đã bắt đầu giảm theo từng quý, đó là biểu hiện tốt lên.

Chính phủ đã chỉ đạo NH xử lý nợ xấu bất động sản. Cách xử lý phải tổng thể, căn bản. Ví dụ, có những DN có thể đang làm những dự án, kể cả những dự án hạ tầng, xây nhà, xây chung cư… nếu gỡ  được cho họ thì công trình sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng, đồng thời vốn đó có  thể quay vòng được. Lúc đó mới giải quyết  được các vấn đề khác, mới trả được nợ, rồi mới được vay mới, rồi lại đầu tư.

PV: Chính phủ cũng đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN như giãn, hoãn thuế, nhưng trên thực tế, tỷ lệ nộp thuế trên GDP của Việt Nam là 17%, mức như vậy có ý kiến cho là cao so với các nước trong khu vực, ý kiến của Phó Thủ  tướng về vấn đề này như thế nào?

PTT Vũ Văn Ninh: Nếu nói như thế là không phải, tôi nghe khác. Nếu 17% thì đâu phải là cao so với các nước. So sánh phải đặt với cùng một mặt bằng, nếu không sẽ bị khập khiễng. Nếu có so với các nước thì phải cùng một loại thuế, cùng một sắc thu. Thu 17% loại trừ các yếu tố không phải là động viên từ thuế thu nhập DN, thuế  thu nhập cá nhân hoặc thuế giá trị gia tăng, thì hiện nay thuế của mình không phải là ở mức cao hơn các nước.

PV: Vậy, theo Phó Thủ tướng trong năm nay kinh tế có thể phục hồi?

PTT Vũ Văn Ninh: Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài chứ không thể chỉ là yếu tố trong nước được. Hiện nay, kinh tế Việt Nam đã hội nhập rất sâu, nên những tác động đó là tác động tổng thể. Vì thế các giải pháp xử lý không thể gói gọn trong một vài câu được.

PV:Xin cảm ơn Phó Thủ tướng./.